Hôm nay (19/12, đại cử tri đoàn tại các bang trên toàn nước Mỹ sẽ bỏ phiếu để bầu ra tổng thống thứ 45.
Theo CNN, 538 đại cử tri của Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu ra tổng thống thứ 45, kế nhiệm Tổng thống Barack Obama. Tại tất cả 50 bang và Washington DC, các đại cử tri - những người do các đảng ở mỗi bang chọn ra - sẽ nhóm họp để bỏ lá phiếu của mình. Đây có thể coi là thủ tục cuối cùng công nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donnald Trump.
Mỗi đại cử tri sẽ phải ký tên vào 6 bản để xác nhận lựa chọn tổng thống và phó tổng thống của mình. Trong đó, 2 phiếu sẽ được chuyển vào Lưu trữ Quốc gia, một phiếu chuyển cho Thượng viện và 2 phiếu cho người đứng đầu Ủy ban bầu cử bang, phiếu còn lại cho một thẩm phán bang.
Kết quả bỏ phiếu sẽ không được công bố ngay trong ngày 19/12 do mỗi bang đặt ra thời hạn khác nhau để công bố. Quốc hội sẽ chính thức thông báo người trở thành tổng thống kế tiếp vào ngày 6/1/2017, tức hai tuần trước lễ nhậm chức.
Đại cử tri dự kiến không thay đổi kết quả chiến thắng dành cho Trump. |
Nghị sĩ quốc hội có quyền phản đối phiếu bầu của một đại cử tri hoặc của toàn bang nào đó và nếu được lưỡng viện ủng hộ thì lá phiếu đó sẽ không được tính. Tuy nhiên, kịch bản này chưa từng xảy ra.
Theo cơ chế bầu cử ở Mỹ, cử tri không trực tiếp bầu tổng thống mà do đại cử tri bầu ra. Thông thường, đại cử tri ở bang nào thì sẽ bỏ phiếu cho ứng viên chiến thắng trong bầu cử phổ thông ở bang mình. Tuy nhiên, đại cử tri có thể không bỏ phiếu cho ứng viên chiến thắng ở bang mình, hay còn gọi là những đại cử tri "bất trung". Trong lịch sử bầu cử tổng thống khoảng 80 năm qua ở Mỹ, chỉ có 9 đại cử tri bất trung.
Việc lật ngược tình thế cần ít nhất 37 đại cử tri của đảng Cộng hoà "bất trung". Đây là sự việc rất khó xảy ra bởi đến nay chỉ mới một vị là ông Christopher Suprum của bang Texas đã tuyên bố trở thành "đại cử tri bất trung".
Trước ngày họp của đoàn đại cử tri, Chánh văn phòng Nhà Trắng được Trump chỉ định là Reince Preibus khẳng định rằng "mọi chuyện sẽ ổn thoả".
"Áp lực lên đoàn đại cử tri để không bầu cho ngài Trump đến từ những người ở phe Dân chủ không thể chấp nhận kết quả bầu cử. Đây chính là việc cố tình làm giảm tính pháp lý của hệ thống".
Lê Huyền (tổng hợp)