Hồng Vân đã gắn bó với sân khấu lịch hàng chục năm, từ vị trí diễn viên đến Bà bầu show. Thời hoàng kim, sân khấu kịch được rất nhiều người tìm đến tuy nhiên khi nhu cầu thay đổi, nhu cầu giải trí cũng thay đổi, nhiều khán giả không còn mặn mà với các sân khấu kịch. Người ta gọi kịch nói đang "hấp hối".
Trước đây, sân khấu kịch nói xã hội hóa TP.HCM được xem là hàng mạnh nhất cả nước. Mấy chục năm qua, đơn vị này duy trì sáng đèn hằng tuần như một nét văn hóa không thể thiếu. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, theo thống kê của Hội sân khấu TP. Hồ Chí Minh, 80% sân khấu kịch hiện nay đang lâm vào tình trạng chết lâm sàng. Nguyên nhân lớn là do đại dịch Covid-19.
Là một người hoạt động trong ngành từ lâu, Hồng Vân cho biết những khó khăn trực tiếp đang khiến cho các sân khấu phải ngưng biểu diễn, chi phí thuê địa điểm tăng gấp rưỡi. Với giá vé hiện nay, nếu khán giả mua vé đầy một nửa mới đủ chi phí thuê rạp.
Thêm nữa, theo như quy định mới sân khấu chỉ có thể ký hợp đồng 3 tháng, không thể ký 1-2 năm như trước nên không thể đầu tư hay nâng cấp được. Vì vậy chỉ trong vòng 2 năm qua, nữ nghệ sĩ đã phải lần lượt đóng cửa 3 sân khấu của mình.
Hồng Vân bộc bạch rằng đó là ngôi nhà chị đã dành một phần ba cuộc đời cho nó, ở thời điểm đẹp nhất, thanh xuân của con người. Nhưng bỗng dưng một ngày khi thức dậy lại phải đi ra khỏi căn nhà đó. Đây là điều thực sự đáng tiếc khi phải mất đi sân khấu, mất đi nghệ thuật.
Thực tế tình trạng khó khăn của các sân khấu kịch ở TP.HCM đã diễn ra từ rất lâu. Tuy nhiên đến thời điểm này, nó như giọt nước tràn ly khiến các sân khấu phải lần lượt đóng cửa. Dẫu biết rằng "vinh hoa" nào cũng có những "đoạn trường" nhưng khi nhìn thấy các sân khấu kịch đang thoi thóp ai nấy đều chạnh lòng.
Việc đóng cửa các sân khấu cũng kéo theo nhiều nghệ sĩ mất việc. Nấu như các nghệ sĩ tên tuổi có thể tham gia đóng quảng cáo, TVC hay sitcom thì những nhân viên phía sau cánh gà, nhân viên hậu đài phải rẽ ngang làm đủ nghề để kiếm kế sinh nhai, duy trì cuộc sống.