Người đứng đầu Ủy ban An ninh và Quốc phòng của quốc hội Iraq cho biết, Baghdad có thể yêu cầu sự trợ giúp từ Nga sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc đưa quân trái phép, vi phạm chủ quyền Iraq.
Sputnik đưa tin, tuyên bố này được ông Hakim al-Zamili đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Al-Araby Al-Jadeed.
Giới truyền thông hôm 3/12 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai khoảng 130 binh sĩ đến miền bắc Iraq. Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là đến gần thành phố Mosul, bị cáo buộc đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho các chiến binh Peshmerga, những người đang chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).
Đến hôm 4/12, Baghdad mô tả động thái này là "sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq vì chính phủ Iraq không cho phép, và cũng không biết gì về việc triển khai quân này.
Thủ tướng Iraq Haider Abadi kêu gọi Ankara ngay lập tức rút lực lượng khỏi tỉnh Nineveh, bao gồm cả xe tăng và pháo binh. Ảnh: AP |
"Chúng tôi sẽ sớm yêu cầu Nga can thiệp quân sự trực tiếp tại Iraq để đáp trả cuộc 'xâm lược' và vi phạm chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Iraq", ông al-Zamili nói.
Trước đó, ông Hakim al-Zamili đe dọa sẽ đáp trả bằng một chiến dịch quân sự nếu binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ không rời khỏi Iraq ngay lập tức.
Ông cũng nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào lãnh thổ Iraq mà không thông báo cho chính phủ.
Thủ tướng Iraq Haider Abadi cũng kêu gọi Ankara ngay lập tức rút lực lượng khỏi tỉnh Nineveh, bao gồm cả xe tăng và pháo binh.
Tổng thống Iraq Fuad Masum gọi vụ việc này là vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi Ankara kiềm chế các hoạt động tương tự trong tương lai, kênh truyền hình al-Sumaria cho biết.
Hôm 6/12, chính phủ Iraq đã ra tối hậu thư, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân ra khỏi nước này trong vòng 48 giờ, nếu không sẽ cầu viện Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Iraq có quyền sử dụng tất cả các tùy chọn sẵn có, bao gồm cả việc kháng nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân trong vòng 48 giờ", Thủ tướng al-Abadi tuyên bố sau cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia.
Đáp lại tuyên bố này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gửi thư cho biết lực lượng vũ trang nước này sẽ không gửi thêm quân chừng nào mối quan ngại của Baghdad chưa được giải quyết, song không đề cập đến việc rút quân như yêu cầu của Iraq.
Lê Huyền (Sputnik)