Tin mới

“Không phải ai cũng vững như Hà Hồ, khôn như Phạm Hương”

Thứ sáu, 08/01/2016, 12:23 (GMT+7)

“Không phải ai cũng đủ vững vàng, thẳng thắn và vẫn chân thành như Hà Hồ, dám bày tỏ cái mình muốn, mình ghét. Và ít có Hoa hậu nào tay trắng mà lại có thể ngẩng cao đầu như Phạm Hương khi trở về Việt Nam”- Chuyên gia Truyền thông Hồng Quang Minh chia sẻ.

“Không phải ai cũng đủ vững vàng, thẳng thắn và vẫn chân thành như Hà Hồ, dám bày tỏ cái mình muốn, mình ghét. Và ít có hoa hậu nào tay trắng mà lại có thể ngẩng cao đầu như Phạm Hương khi trở về Việt Nam”- Chuyên gia Truyền thông Hồng Quang Minh chia sẻ.

Là người bao quát đời sống giải trí suốt hơn 10 năm qua, để miêu tả làng giải trí Việt 2015 một cách ngắn gọn, anh sẽ nói gì?

- Tôi nghĩ đó là sự “thay máu” với gia tốc cao hơn, sự biến chuyển về mặt chất cũng được lưu ý. Tuy nhiên, hơi tiếc đây vẫn là sự thay đổi của chu kỳ tự nhiên, thiếu định hướng, nếu không thì nhân cơ hội này, chúng ta đã có thể “thanh lọc” thị trường tích cực hơn nhiều.

Theo anh, những nhân tố mới, những chương trình lớn nào được xem là sự nỗ lực đáng ghi nhận của những người làm nghệ thuật?

Nói về nỗ lực đáng ghi nhận về mặt nghệ thuật, điều đó thường nói đến sự thầm lặng, vì nghệ thuật thì khó mà “hô hào” hay khiến người ta cảm nhận một cách ồn ào.

Chuyên gia Truyền thông Hồng Quang Minh nhận định về làng giải trí Việt 2015. Ảnh: NVCC

Tôi nghĩ sự đóng góp tích cực và có thể thay đổi trước mắt nhất là những chương trình văn minh, tử tế như Monsoon với người dẫn dắt là nhạc sĩ Quốc Trung hay liveshow Thập kỷ hoan ca của ca sĩ Tùng Dương, điểm hội tụ thú vị của 5 nữ danh ca trong chương trình The Master of Symphony cũng làm bản thân tôi thấy lắng lại, khi dượt lại một hành trình nhiều gian nan nhưng cũng đầy hân hoan của nhạc nhẹ Việt Nam.

Tôi cũng đánh giá cao các cuộc thi âm nhạc, các chương trình truyền hình thực tế, hay những sân khấu đại diện một cách tương đối cho các bảng xếp hạng, các sân khấu có tính thể nghiệm vừa đủ xen lẫn tính đại chúng như Bài hát yêu thích hay Bài hát Việt.

Trong danh sách “key word”  được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam, những từ khóa thuộc lĩnh vực giải trí năm nay chiếm thế thượng phong. Con số này phản ánh điều gì thưa anh?

Tôi nghĩ nó thể hiện Việt Nam là một đất nước yêu thích giải trí, âm nhạc, đặc biệt là những cái gì lạ lạ, dù nó chưa chắc đã thú vị hay mang tính nghệ thuật, hoặc ít nhất là có chất lượng, có tính định hướng.

"Hồ Ngọc Hà được cho là rất bản lĩnh trước các scandal"- Ảnh: Internet

Với tôi thì Sơn Tùng M-TP hay những ca khúc như “Vợ người ta” chỉ nên mang tính thoả mãn sự tò mò và “sử dụng” với liều lượng vừa đủ. Những “key word” đó rõ ràng cho thấy một nền thưởng thức hời hợt trên một thị trường còn nhiều lộn xộn.

Không phải so sánh, vì chúng ta không so sánh được với thế giới, nhưng nếu không nhìn vào những xu hướng, những môi trường sản xuất và thưởng thức nghệ thuật cấp tiến hơn, chúng ta khó khá lên được.

2015 là một năm mà vô vàn scandal bùng nổ. Trong đó đáng chú ý nhất là scandal đời tư, Ngoại tình của những “người của công chúng” như Hồ Ngọc Hà- Cường Đô la- đại gia kim cương, Chí Nhân- Minh Hà, Midu- Phan Thành… Theo anh, vì sao những vấn đề này lại được dư luận đặc biệt quan tâm? Độc giả của chúng ta đang muốn gì, thích gì?

- Độc giả của chúng ta thích bàn tán về các tin đồn tình ái và “nguy hiểm” hơn là thích phân tích để nâng cao quan điểm, biến nó thành các vấn đề tưởng chừng như chính thống, điều này dễ gây tổn thương thật với người trong cuộc.

Nếu anh không hiểu chuyện, anh buôn câu 1, câu 2 rồi quên, thì nó là một nhẽ, còn công chúng Việt thường muốn mình là quan toà và đưa ra phán quyết mà chẳng xuất phát từ điều gì cả. Nói gì thì nói, những người trong scandal dù họ đúng hay sai thì đó là chuyện riêng tư của họ, miễn đừng vi phạm luật pháp, thì không ai có quyền phán xét họ.

Xét về khía cạnh 1 người nổi tiếng, có thể đó là một trải nghiệm mà sau này sẽ là một kỷ niệm trong sự nghiệp, đời sống của họ, nhưng không phải ai cũng đủ vững vàng, thẳng thắn và vẫn chân thành như Hà Hồ, dám bày tỏ cái mình muốn, mình ghét. Từ đó mà sinh ra nhiều nghệ sĩ “đối phó” với dư luận theo kiểu rất tiêu cực, điều này là có hại cho cả 2 bên, công chúng và nghệ sĩ.

Việc mỗi nghệ sĩ có một quản lý truyền thông riêng để phát triển hình ảnh và xử lý khủng hoảng truyền thông như showbiz Việt hiện tại có phải là đi đúng hướng của khu vực và thế giới?  

Ở Việt Nam hiện tại, thay vì có một ekip quản lý và xây dựng đường hướng truyền thong thì đa phần nghệ sĩ có một sự kết nối lỏng lẻo với truyền thông (trừ các ngôi sao hạng A), với quan điểm là khi có việc thì chạy, không thì thôi, điều đó khiến cho tính hiệu quả không cao.

Phạm Hương đã có một chiến dịch truyền thông vô cùng hiệu quả và tiết kiệm. Ảnh: Internet

Nhưng một số nghệ sĩ, ngôi sao trẻ với đầu óc nhình nhận tổng thể đã xác định được điều này và nắm bắt cơ hội. Tôi lấy ví dụ như trường hợp của Hoa hậu Phạm Hương vừa rồi đi thi Hoa hậu Hoàn Vũ, nhờ một kế hoạch bài bản cộng thêm một số yếu tố may mắn, khéo léo, cô đã nắm bắt được cơ hội của mình để tạo nên một giai đoạn truyền thông bùng nổ chưa từng có, giờ thì giá trị của Phạm Hương về cả tên tuổi, vị trí, hay thậm chí cát-xê đã được định đoạt, và ít có Hoa hậu nào ra về tay trắng mà lại có thể ngẩng cao đầu như Phạm Hương khi trở về Việt Nam.

Nói ra để thấy rằng cách làm truyền thông, biết nắm thời điểm, cơ hội là vô cùng quan trọng, đó mới chính là cách “tiết kiệm” hơn cả. Thà chấp nhận bỏ 1 tỉ trong 1 tháng để bước hẳn lên cao, còn hơn là bỏ 10 tỉ trong 10 năm nhưng cứ bò ngang và sau cùng cũng không đạt được điều mình muốn.

Anh có nghĩ rằng 2016 tiếp tục là một năm bùng nổ của các liveshow, sự kiện được đón chờ?

- Tôi nghĩ 2015 đã là một năm tiếp tục có đột phá và đi lên mạnh mẽ theo chu kỳ rồi, thì 2016 khó có thể tiếp tục làm nên điều kỳ diệu.

Hồng Quang Minh từng có cơ hội làm việc với nhiều nghệ sĩ quốc tế. Ảnh: NVCC

Năm 2015 là một năm vui vẻ, nhiều hân hoan, nhưng đa phần các chương trình được nhào nặn lên từ những thứ không mới, dù có chỉn chu và chuyên nghiệp hơn. 2016 sẽ là một năm giữ nguyên phong độ của thị trường, với điều kiện những người định hướng, những người sản xuất có tâm, không ăn xổi một cách quá đáng để thu lợi.

Là người quản lý truyền thông 2 chương trình lớn là Monsoon và The Master of Symphony, tôi nghĩ thời kỳ của những chương trình khiến chúng ta cảm thấy “đã” với tinh thần thưởng thức hoàn toàn trong lành sẽ khó trở lại, chúng ta không có nhiều điều kiện trong tay để làm điều đó.

Các nhà tài trợ, những người bỏ tiền ra để sản xuất chương trình sẽ luôn kiểm soát nghệ thuật dưới mức có thể đảm bảo an toàn cho tính thương mại và hình ảnh phi nghệ thuật họ đưa vào, trong khi đó, xét về yếu tố kinh tế, đời sống và khả năng chấp nhận chi trả, công chúng Việt sẽ còn rất lâu để biết được cái họ bỏ tiền và thời gian để có được giá trị đến đâu.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Giao Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news