(Tinmoi.vn) Đó là lời cảnh báo của chuyên gia Michael Auslin tại Viện Doanh nghiệp Mỹ trong bài bình luận đăng trên tờ The Wall Street Journal khi giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hộ tống của Trung Quốc vẫn ngoan cố hoạt động phi pháp ở vùng biển Việt Nam.
Ông Auslin khẳng định giàn khoan Hải Dương 981 nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khu vực này đã bị Trung Quốc ngang nhiên cho vào trong bản đồ "đường lưỡi bò" phi lý của họ. Nếu Việt Nam không kiên quyết đến cùng và quốc tế không lên án đủ mạnh thì dần dần sự có mặt của giàn khoan sẽ thành “chuyện đã rồi”.và Trung Quốc “sẽ đạt được các mục tiêu chiến lược mà không cần hành động quân sự”.
Ông còn cho rằng “chiến lược giàn khoan dầu” có thể dẫn tới căng thẳng dâng cao hơn nữa trong tương lai do Trung Quốc có kế hoạch đóng thêm nhiều giàn khoan. Giới chức Bắc Kinh từng tuyên bố xem giàn khoan “là lãnh thổ quốc gia di động” thì hành động hạ đặt trái phép Hải Dương 981 cũng là chiến thuật mới của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Chuyên gia chia sẻ ngoài các ý đồ về chính trị và yêu sách chủ quyền, riêng trong lĩnh vực khai thác dầu khí thì đây cũng là bước leo thang mới của Trung Quốc sau khi nước này từng gây sức ép lên các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác thăm dò, khai thác một cách hợp pháp với Việt Nam.
Quan sát những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, luật sư Ryan Santicola thuộc bộ phận pháp chế của hải quân Mỹ khẳng định Bắc Kinh đã vi phạm các cam kết song phương, đa phương và thường xuyên hành động đơn phương ở Biển Đông.
Trong bài bình luận đăng trên The Dilopmat (Nhật Bản) hôm 24/5, ông Santicola chỉ ra vụ giàn khoan là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không thật tâm tuân thủ "Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết các vấn đề trên biển" đã ký hồi năm 2011 với Việt Nam. Thỏa thuận có ghi rõ hai bên nhất trí giải quyết tranh chấp liên quan đến biển thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện, nhưng theo giới quan sát, có vẻ như chỉ mình Việt Nam là luôn nỗ lực thực hiện đúng cam kết này.
Luật sư Santicola nêu thêm một bằng chứng khác, Trung Quốc cũng từng không tuân thủ kết quả đàm phán với Philippines là hai bên cùng rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough trong vụ căng thẳng hồi tháng 4/2012. Liên tục từ đó đến nay, Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu trở lại
Vì thường xuyên hành xử theo kiểu “chữ ký gió bay” nên Trung Quốc cứ dền dứ trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Nhiều nhà ngoại giao Đông Nam Á tuần vừa rồi cáo buộc Trung Quốc vừa trì hoãn đàm phán COC vừa ra sức tăng cường kiểm soát ở những khu vực tranh chấp.
Trước những diễn biến đã và đang xảy ra trên Biển Đông, có thêm nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý và tăng cường sức mạnh ở vùng biển này.
Cụ thể, chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cảnh báo Trung Quốc chắc chắn sẽ lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và đó chỉ là vấn đề thời gian.
Quỳnh Hoa