Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, "ông có thể cảm nhận được một bước đột phá" trong mối quan hệ với Moscow sau chuyến thăm tới Nga và gặp gỡ Tổng thống Putin. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã lại cho rằng có nhiều mục đích khác nhau sau chuyến đi của ông Abe đến khu nghỉ mát Sochi ở Biển Đen.
"Tôi có cảm giác rằng chúng ta có thể đạt được một bước đột phá trong tình trạng trì trệ hiện nay", Thủ tướng Nhật nói với các phóng viên về mối quan hệ Nga - Nhật và tranh chấp lãnh thổ hai bên sau buổi hội đàm với Tổng thống Nga tại Sochi hôm 6/5.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng sẽ tiến hành các cuộc đàm phán về việc sử dụng "cách tiếp cận trên cơ sở một khái niệm mới".
Mặc dù hai bên không tiết lộ bất cứ chi tiết nào, song cách tiếp cận mới được mô tả là chú trọng đến viễn cảnh toàn cầu (tức mối quan hệ không chỉ dừng lại ở mức độ song phương) và tiến hành đàm phán từ quan điểm tương lai có định hướng.
Trong các cuộc hội đàm, ông Abe đã trình bày một kế hoạch bao gồm 8 lĩnh vực hợp tác, trong đó có phát triển năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng Viễn Đông của Nga.
Chuyến thăm chưa tạo ra đột phá
Tuy nhiên, hãng thông tấn Tân Hoa xã mô tả chuyến thăm của ông Abe chỉ là "một thủ thuật ngoại giao không tạo ra bước tiến mới nào đối với 4 đảo tranh chấp ở Thái Bình Dương" giữa Nga và Nhật.
Ruan Zongze, phó Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc nói rằng, quan điểm của Nhật Bản và Nga rất mâu thuẫn trong việc giải quyết vấn đề lãnh thổ: Nga muốn ký một hiệp ước hòa bình trước khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trong khi Nhật Bản lại muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ trước khi ký hiệp ước hòa bình.
Và chính điều đó đã nới rộng khoảng cách của hai nước.
"Rõ ràng Nhật Bản không thể tạo điều kiện để ký thỏa thuận hòa bình song phương và giải quyết tranh chấp lãnh thổ chỉ bằng chuyến thăm của ông Abe", ông Ruan nói.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Sochi hôm 6/5. Ảnh: Sputnik |
Quan điểm này của ông Ruan cũng được xác nhận phần nào bởi Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, người đã khẳng định tại một cuộc họp báo hôm 9/5 rằng quan điểm của Nhật Bản không hề thay đổi.
"Trước hết phải lấy lại 4 đảo, sau đó mới ký hiệp ước hòa bình", ông Suga nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Suga cũng nói rằng "tại thời điểm này, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại trên cơ sở những sáng kiến mới, chứ không phải những cái đã cũ, nhằm mục đích tạo ra một bước đột phá trong các cuộc đàm phán đang diễn ra", song không cung cấp chi tiết cụ thể.
Và những lý do thực sự…
Tân Hoa xã cũng đưa ra những lý do về chuyến thăm của ông Abe đến Nga.
"Trước hết, chuyến thăm này nhằm thay đổi mối quan hệ với Nga và phá vỡ tình trạng ngoại giao khó khăn của Nhật Bản với các nước láng giềng", Tân Hoa xã nói.
"Kể từ khi nhậm chức, chính quyền Thủ tướng Abe ngày càng cứng rắn trong các vấn đề ngoại giao, dẫn đến tình trạng quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng, trong đó có Nga", Zhou Yogsheng, một giáo sư từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói.
Điều thứ hai, và cũng quan trọng hơn, theo Tân Hoa xã, chuyến thăm này của ông Abe nhằm tạo lập sự ủng hộ trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
Chính phủ của ông Abe đã đưa ra một loạt các hành động cứng rắn, bao gồm cả thực thi luật bảo mật mới nhất và một nền kinh tế yếu kém bất chấp "3 mũi tên" nới lỏng tiền tệ của ông Abe, kích thích tài chính và cải cách cơ cấu đã khiến nhiều cử tri Nhật Bản giận dữ.
"Abe hiện nay đang nỗ lực tập trung vào các vấn đề ngoại giao để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng và tạo tiền đề cho một chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 7 tới mà ông hy vọng có thể tạo điều kiện để sửa đổi hiến pháp".
Quần đảo Kuril, điểm nóng trong quan hệ Nga - Nhật. Ảnh: Sputnik |
Mỹ không hài lòng
Một nhà nghiên cứu ngoại giao khác lại chú ý đến thời gian thủ tướng Nhật tới Nga.
"Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp kết thúc, do đó, ảnh hưởng ngoại giao của Mỹ cũng đã suy yếu, và với tình thần duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Nga ngay trong những vấn đề phức tạp như Syria, Abe nhận thấy đấy là thời gian tốt nhất để thăm Nga".
Tuy nhiên, hành động đơn phương của Nhật Bản để cải thiện quan hệ với Nga mà không cần sự đồng thuận từ Mỹ có thể đe dọa mối quan hệ của Tokyo với đồng minh quan trọng của họ bởi Washington "không chấp thuận cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Nga và Nhật".
"Chuyến thăm của Abe tới Nga chẳng khác nào con dao hai lưỡi với Nhật", Tân Hoa xã viết.
Được biết hồi tháng 2, Tổng thống Obama đã đề nghị ông Abe nên tránh các chuyến đi tới Nga, chí ít là tới sau Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến do Nhật Bản đăng cai cuối tháng 5 này. Tuy nhiên, ông Abe đã từ chối lời đề nghị này và kiên quyết thăm xứ bạch dương.
Chuyến thăm tới Nga của ông Abe đã khiến đồng minh quan trọng nhất của họ là Mỹ không hài lòng chút nào. Ảnh: AP |
Trong khi đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí họ sẽ có một cuộc gặp khác khi ông Abe đến thăm thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga vào tháng 9 tới.
Hai nước cũng nói rằng sẽ tiếp tục sắp xếp thời gian để Tổng thống Putin tới thăm Nhật.
Ngay sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo hôm 6/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá rằng cuộc đàm phán về quần đảo tranh chấp Kuril đã được lên kế hoạch.
"Vấn đề này đã được lên kế hoạch cụ thể. Việc đối thoại sẽ tiếp tục diễ ra ở cấp ngoại trưởng", Peskov nói với RIA Novosti.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Kuril đã cản đường Nga và Nhật ký kết hiệp ước hòa bình sau khi Thế chiến II kết thúc. Tokyo tuyên bố các đảo Kunashiri, Etorofu, Shikotan và nhóm đảo Habomai phân cách biển Okhotsk với Thái Bình Dương thuộc chủ quyền của họ, trong khi Nga cũng tuyến bố chủ quyền với các đảo này bằng Hiệp ước hòa bình San Francisco.
Sau cuộc hội đàm và những bình luận đưa ra từ hai nhà lãnh đạo Nga – Nhật, Mỹ đã kêu gọi EU và G7 nên thống nhất cách tiếp cận của họ đối với Nga.
"Sự thống nhất trong cách tiếp cận với Nga giữa các đối tác của chúng tôi bao gồm Liên minh châu Âu và các nước G7 là rất quan trọng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau nói hôm 9/5 khi được yêu cầu bình luận về cuộc gặp giữa Putin với Abe.
Lê Huyền (Sputnik)