Tin mới

Lý do người Nga không “trách” ông Putin dù kinh tế đang điêu đứng

Thứ sáu, 11/12/2015, 16:32 (GMT+7)

Tầng lớp trung lưu Nga đang gặp quãng thời gian khó khăn nhưng họ không trách Tổng thống Vladimir Putin vì điều đó.

Tầng lớp trung lưu Nga đang gặp quãng thời gian khó khăn nhưng họ không trách Tổng thống Vladimir Putin vì điều đó.

Không nhiều những chuyến bay đi tránh rét tới Thổ Nhĩ Kỳ ngập nắng, chính quyền Tổng thống Putin đã cấm bay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga tại Syria cuối tháng 11.

Cũng chẳng còn nhiều trái cây, rau củ, thịt từ Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Chúng cũng đã bị cấm.

Và cũng hãy quên đi pho mát Brie, Camembert và các loại pho mát khác nhập khẩu từ châu Âu. Chúng cũng đã biến mất khỏi kệ sau khi điện Kremlin cấm vận để trả đũa lại các lệnh trừng phạt của châu Âu về việc Nga sáp nhập Crimea.

Sau đó, tiền tệ của Nga đã bị mất giá. Đồng rúp Nga mất hơn một nửa giá trị kể từ năm ngoái.

Một số nhà phê bình Putin dự đoán chỉ còn vấn đề thời gian trước khi nỗi thất vọng của người Nga tăng lên và trừng phạt Tổng thống vì những tai ương kinh tế mà họ gặp phải.

Nhưng điều này vẫn chưa xảy ra. Trong thực tế, tỷ lệ bình chọn cho ông Putin trong tầng lớp trung lưu vẫn ở ngưỡng 85-90%, theo số liệu thống kê của Trung tâm Levada (công ty bình chọn độc lập của Nga).

"Nghĩ rằng tiêu chuẩn sống đi xuống và mọi người sẽ nổi loạn? Nghĩ vậy quá đơn giản", Maria Lipman, một nhà phân tích chính trị tại Moscow, liên kết với ĐH George Washington cho biết. "Điều đó đi theo logic " đó là nền kinh tế". Nhưng nó không chỉ là nền kinh tế".

Người Nga có thể không có khả năng mua cà chua Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn còn nhiều loại cà chua khác để lựa chọn - và khi nhiều người mở tủ lạnh ra chúng vẫn không hề trống rỗng.

"Một trong những lý do mà Liên Xô sụp đổ nhanh chóng đó là mô hình kinh tế của Liên Xô có thể không cung cấp đúng thức ăn cho mọi người", Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tờ Russia in Global Affairs lý giải.

"Có một vấn đề thực sự với những hàng hóa khan hiếm. Ngày nay, sự phân loại, số lượng pho mát, đang thu hẹp lại nhưng vấn đề không phải là sự đói kém, thiếu ăn. Và điều này sẽ không xảy ra bởi nước Nga ngày nay đã có thể sản xuất được thực phẩm".

Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn nhận được sự ủng hộ lớn từ quê nhà mặc dù kinh tế Nga đang điêu đứng. Ảnh: CNN

Khi người Nga tìm ai đó để đổ lỗi cho những vấn đề kinh tế họ gặp phải, họ sẽ nghĩ tới Mỹ và châu Âu. Họ cảm thấy đất nước mình đang bị tấn công về mặt kinh tế, chính trị và cả quân sự.

"Đó là trạng thái tâm lý bị vây hãm", Maria Lipman nói. "Có những kẻ thù ở xung quanh nhưng chúng tôi vẫn đứng vững đầy tự hào, chúng tôi sẽ không khuất phục, không đầu hàng trước sự đàn áp. Chúng tôi là bất khả chiến bại".

Tâm trạng này được thể hiện rõ trong cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Levada. 70% số ngwoif được hỏi nói rằng họ có cái nhìn tiêu cực với Mỹ. 60% có cái nhìn tiêu cực với Liên minh châu Âu EU.

Và còn có một số yếu tố khác trong kết quả này: Người Nga càng càng cảm thấy tự hào khi được là người Nga. Nhiều người trong số họ đã xem một thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ như một sai lầm, một giai đoạn mà họ chỉ là một cựu siêu cường móm mém, bị sỉ nhục và yếu ớt.

Việc sáp nhập Crimea vào năm 2014, chịu sự lên án của phương Tây lại được phần lớn nhân dân Nga ủng hộ, Denis Volkov đến từ Trung tâm Levada cho biết.

Viết trên tờ Vedomosti, Denis nói rằng Crimea là một bước ngoặt: "Kết quả, nhiều người cảm thấy sự hồi sinh sự vĩ đại mà nước Nga đã đánh mất sau sự sụp đổ của Liên Xô".

Trong những nhóm người mà Trung tâm Levada tập trung nghiên cứu, họ xem điều này là "sự nhe nanh" của nước Nga, "Chúng tôi buộc họ phải tôn trọng mình", "Nếu họ không yêu chúng tôi thì ít nhất cũng phải sợ hãi chúng tôi".

Hành động quân sự hiện nay của Nga tại Syria đã tăng cường thêm những tình cảm của người Nga nói trên. Một cuộc thăm dò tháng 12 của Trung tâm Levada cho thấy 85% người Nga tự hào về lực lượng vũ trang của mình, 68% tự hào về ảnh hưởng chính trị của đất nước trên thế giới và khoảng 60% nghĩ rằng Nga tốt hơn so với phần lớn các nước khác.

Tuy nhiên, đây không phải là một bức tranh đen trắng. Khi được hỏi về thành tựu kinh tế của Nga, chỉ có 27% nói rằng họ "rất tự hào" hoặc "khá tự hào" mà thôi.

Tuy nhiên, theo Maria Lipman, lòng yêu nước ngày càng phát triển và sự ủng hộ đối với tổng thống - kết hợp với lời đảm bảo của ông Putin rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay "phức tạp nhưng không quan trọng" - "đã khiến người dân dễ dàng chịu đựng những khó khăn về kinh tế và cho phép ông Putin giữ được sự ủng hộ và tỉ lệ tán thành cao".

Ngay cả khi tầng lớp trung lưu của Nga không hài lòng với tổng thống, thì cũng không có nghĩa là có sự thay đổi sâu sắc trong tỉ lệ ủng hộ ông Putin, Fyodor Lukyanov nói.

Theo tờ Kommersant của Nga, tầng lớp trung lưu nước này vẫn ổn định trong 15 năm qua, xấp xỉ khoảng 20% dân số. Dẫn số liệu thống kê của chính phủ, tạp chí dự đoán cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại sẽ giảm tỉ lệ tầng lớp trung lưu của Nga xuống còn 15%.

"Tác động của tầng lớp trung lưu Nga lên ý kiến công chúng là có thể nhìn thấy, khá quan trọng nhưng có giới hạn", Lukyanov nói.

Cá nhà kinh tế theo định hướng phương Tây thường mô tả tầng lớp trung lưu như một sản phầm của nền kinh tế thị trường, lần lượt dẫ tới những nhu cầu của chế độ dân chủ. Nhưng ông Lukyanov nói rằng đó chỉ là một phần của tầng lớp trung lưu Nga.

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga có thể không làm giảm sự ủng hộ đối với ông Putin nhưng khi kết hợp với các vấn đề tài chính, không có khả năng bù đắp cho lương hưu và tiền lương bị giảm chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới sự ủng hộ dành cho ông, theo Denis Volkov.

"Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa phải lúc để đổ lỗi cho ông Putin".

Bảo Linh (theo CNN)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Putin