Đối mặt với sự cô lập mạnh mẽ từ phương Tây kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phát biểu trên Quảng trường Đỏ trước cuộc duyệt binh của quân đội, xe tăng, tên lửa và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Các khí tài bay qua Nhà thờ St Basil gồm chiến đấu cơ siêu thanh, oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 và đặc biệt là máy bay chỉ huy "ngày tận thế" Il-80, Bộ quốc phòng Nga cho biết.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, Il-80 được thiết kế để trở thành trung tâm chỉ huy chuyển vùng cho Tổng thống Nga. Cho đến nay, chi tiết cụ thể về công nghệ của Il-80 vẫn là bí mật nhà nước của Nga.
Ông chủ điện Kremlin đã nhiều lần so sánh cuộc chiến tại Ukraine với thách thức mà Liên Xô phải đối mặt khi bị trùm phát xít Adolf Hitler xâm lược vào năm 1941. "Nỗ lực xoa dịu kẻ xâm lược trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại hóa ra là một sai lầm khiến người dân chúng ta phải trả giá bằng mạng sống", ông Putin nói trong tuyên bố chiến dịch hôm 24/2. "Chúng ta sẽ không phạm sai lầm như vậy lần thứ 2, chúng ta không có quyền".
Tổng thống Putin coi cuộc chiến ở Ukraine là để bảo vệ những người nói tiếng Nga khỏi sự đàn áp của phát xít và chống lại mối đe dọa do NATO mở rộng gây ra. Phía Ukraine và phương Tây thì bác bỏ tuyên bố về chủ nghĩa phát xít và nói ông Putin đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.
Cuộc chiến tại Ukraine sẽ phủ bóng đen lên Ngày Chiến thắng năm nay. Nó đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và gần 10 triệu người phải di dời. Nga cũng vì thế mà vướng vào các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây. Cuộc chiến cũng dấy lên quan ngại về sự leo thang giữa Nga - Mỹ, 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nay.
Mặc dù 11.000 binh sĩ diễu hành trên Quảng trường Đỏ cùng 131 khí tài quân sự sẽ mang đến một cảnh tượng hoành tráng, cuộc xung đột Ukraine đã bộc lộ những điểm yếu của Lực lượng Vũ trang Nga. Họ đã không giành được một chiến thắng nhanh chóng, nền kinh tế Nga khi bị trừng phạt đang đối mặt với sự suy giảm tồi tệ nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Cách đây chưa đầy 2 thập kỷ, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã cùng ông Putin tham dự lễ kỷ niệm 9/5 ở Moscow. Điện Kremlin cho biết lễ kỷ niệm năm nay không lãnh đạo phương Tây nào được mời.
Hai nguồn thạo tin nói với Reuters rằng Mỹ và các đồng minh đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine và một số người trong quân đội Nga kêu gọi ông Putin tung hỏa lực mạnh hơn vào Ukraine. Moscow đã nói với phương Tây rằng việc họ nhắm tới các nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine là hợp pháp.
Trước ngày 9/5, nhiều đồn đoán khắp thủ đô Moscow và phương Tây rằng ông Putin đang chuẩn bị một thông báo đặc biệt nào đó về Ukraine, có thể là tuyên chiến hoàn toàn hoặc thậm chí là động viên toàn quốc. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ những đồn đoán này, nói rằng điều đó là "vô nghĩa". Điện Kremlin cũng không tiết lộ về bài phát biểu của ông Putin từ tòa án Quảng trường Đỏ trước Lăng Vladimir Lenin.
Năm ngoái, Putin đã chỉ trích chủ nghĩa ngoại lệ của phương Tây và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân Quốc xã, chủ nghĩa bài Nga. Đây là những xu hướng mà ông đã nhắc lại nhiều lần khi phát biểu về vấn đề Ukraine.
(Theo Reuters)
>> Xem thêm: Trừng phạt Nga nhưng 10 nước châu Âu lại âm thầm 'chiều ý' Putin