Nhắc đến diễn viên Lý Hải, khán giả nhớ ngay đến series Phim chiếu rạp Lật mặt với 5 phần phim rất ăn khách. Các phần trong phim này không chỉ nhờ yếu tố kịch bản hấp dẫn mà phải kể đến độ “chịu chơi” và sự đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh của đạo diễn Lý Hải.
Trong phần phim thứ 5, Lật mặt: 48H, bà xã Lý Hải mới đây đã tiết lộ chi số tiền khủng xây dựng hẳn một ngôi làng Chăm rồi đánh sập để tái hiện một cảnh truy đuổi gay cấn trên phim. Theo đó, bối cảnh của phim được quay tại làng nghề dệt chiếu Định Yên (Đồng Tháp) và có tuổi đời hơn 100 năm nhưng hiện tại đã ngưng hoạt động.
Nam nghệ sĩ đã dày công tìm hiểu, sưu tầm và thuyết phục nghệ nhân làm chiếu để tái hiện khung cảnh miền Tây qua một làng nghề truyền thống.
Diễn viên Lý Hải cho biết, việc chọn bối cảnh cho phim của mình anh đã tìm hiểu nhiều làng nghề truyền thống như đan giỏ lát, đan túi đệm, làm bánh tráng, làm bánh phồng… Sau đó, nam đạo diễn đã quyết định dừng chân ở làng chiếu Định Yên.
"Tôi thấy xót xa khi nhìn những chiếc máy dệt bị "đắp chiếu", cất trong nhà kho", vị đạo diễn chia sẻ. Vì những lý do đó, anh quyết định mang làng chiếu Định Yên lên màn ảnh rộng với hy vọng phục dựng lại thời vàng son và giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề thủ công này tới khán giả Việt.
Chính nhờ sự đầu tư mạnh tay và tâm huyết, những con đường làng phủ đầy chiếu, lò nhuộm lát, bãi sân phơi lát - phơi chiếu, phiên chợ chiếu ngày - đêm được tái hiện với quy mô còn hoành tráng hơn cả thời làng chiếu còn hưng thịnh.
Bên cạnh đó, để bối cảnh thêm sống động, vợ chồng Lý Hải đã không ngần ngại “tất tay” mua hàng ngàn chiếc chiếu chỉ phục vụ mục đích ghi hình.
“Trên dưới 100.000 đồng một chiếc chiếu mà mình để đầy kho, nguyên cả một con đường làng thì bao nhiêu tiền cho đủ? Lúc đó mình rất là sợ nhưng sau khi chứng kiến quá trình một chiếc chiếu được dệt, Lý Hải thấy giá đó cực kỳ rẻ so với công sức người lao động bỏ ra. Chính vì vậy, Lý Hải quyết tâm làm cho ra bằng được”, đạo diễn của bộ phim chia sẻ.
Được biết, sau khi hoàn thành phần phim, Lý Hải đã tặng lại lò nhuộm lát cho người dân nơi đây để bất kỳ ai nếu muốn, đều có thể sử dụng với hy vọng phần nào níu giữ nét tinh túy của làng chiếu truyền thống.