(Tinmoi.vn) Trong thời đại mà mọi người tin rằng muốn biết bất kỳ thông tin gì là chỉ cần một cú nhấp chuột thì việc một chiếc máy bay phản lực biến mất trên đại dương trong hơn 2 ngày đang khiến cả thế giới sửng sốt.
Chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines đã biến mất mà không để lại dấu vết gì. Trước đó, một vụ tai nạn máy bay thảm khốc từng xảy ra trên Đại Tây Dương. Phải mất 2 năm để tìm đống đổ nát của một máy bay phản lực của hãng Air France năm 2009. Gần với Malaysia và Việt Nam hơn là vụ tai nạn máy bay của Indonesia vào năm 2007. NGười ta phải mất 1 tuần để thu gom các mảnh vỡ của máy bay gặp nạn. Cho đến nay, phần lớn thân máy bay vẫn còn nằm dưới đáy đại dương.
“Thế giới là nơi rộng lớn”, Giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ Michael Smart tại ĐH Queensland, Australia nói. “Nếu máy bay rơi xuống biển và không rơi gần một tuyến đường hàng hải hoặc một nơi nào đó thì ai biết đường nào mà tìm?”
Giữa sự hỗn độn, các quan chức liên quan đến việc tìm kiếm nói rằng máy bay của Malaysia đã tự quay đầu khiến nỗ lực tìm kiếm nó càng không chắc chắn. Thậm chí, họ còn dự đoán máy bay có thể ở cách nơi nó phát tín hiệu lần cuối cùng hàng trăm km.
Các chuyên gia hàng không tin rằng chiếc máy bay cuối cùng cũng sẽ được tìm thấy. Kể từ khi thời đại của máy bay phản lực bắt đầu năm 1958, chỉ có rất ít máy bay mất tích mà chưa được tìm ra.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ tìm thấy chiếc máy bay này”, Đại úy John M.Cox, người có thâm niên 25 năm làm phi công cho US Airways và hiện là Giám đốc điều hành của Hệ điều hành An toàn cho biết.
Tốc độ truyền thông hiện đại, nơi mà tính năng GPS trong xe hơi và điện thoại thông minh của chúng ta giúp chúng ta xác định vị trí của mình tại bất kỳ thời điểm nào đã đặt ra những kỳ vọng không thực tế. “Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta phải đợi vài ngày để tìm thấy những đống đổ nát”. Dựa trên những gì đã nghe, ông Cox cho rằng chiếc máy bay đã đi lạc đường. Ông cho rằng sau khi máy bay biến mất khỏi radar, nó “còn nguyên vẹn và bay trong một khoảng thời gian. Ngoài ra tất cả chỉ là suy đoán. Nếu nó phát nổ trên không trong đường bay bình thường thì chúng ta đã phải tìm thấy nó rồi”.
Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman cho biết hơn 1.000 người và ít nhất 34 máy bay, 40 tàu thuyền đang tìm kiếm trong bán kính 100 hải lý (185 km) xung quanh vị trí cuối cùng chuyến bay MH370 xuất hiện.
Không hề có tín hiệu cứu nguy khi nó biến mất cho thấy không có dấu hiệu của sự rắc rối. Ông Azharuddin cho họ sẽ tìm kiếm phía bắc eo biển Malacca, khu vực đối diện bán đảo Mã Lai và phía tây của khu vực chiếc máy bay xuất hiện lần cuối. Tuy nhiên ông không giải thích tại sao lại tìm kiếm ở những khu vực trên.
Thiếu tướng Datuk Affendi Buang của Malaysia cho biết việc tìm kiếm sẽ rất mất thời gian. “Điều duy nhất tôi có thể nói là rất khó. Có rất nhiều ví dụ về những chiếc máy bay bị rơi trong biển – có thể mất nhiều ngày, đôi khi vài tháng, đôi khi vài năm”, ông nói.
Một số chuyên gia hàng không đã kêu gọi các hãng hàng không cập nhật công nghệ buồng lái của họ để có thể cung cấp dữ liệu – qua vệ tinh – trở lại mặt đất. Thông tin về những hoạt động quan trọng và ghi âm sẽ được lưu lại trong hộp đen nhưng trong trường hợp này, chúng ta không thể có được chúng ngay lập tức.
Tàu của Hải quân Hoàng gia Malaysia tiếp tục tìm kiếm tại khu vực gần Tok Bali
Hầu hết các máy bay mất tích trong thời hiện đại đều được tìm thấy. Chỉ có những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi và chúng không chở khách. Vào tháng 9/1990, một chiếc Boeing 727 của hãng hàng không Raucett, Peru đã bị rơi trên Bắc Đại Tây Dương khi đang trên đường tới Miami. Đó chỉ là một chuyến bay thử và xác máy bay không bao giờ được tìm thấy.
Bí ẩn hơn là sự biến mất của một chiếc 727 ở châu Phi khi nó đang vận chuyển dầu diesel đến các mỏ kim cương. Khi mặt trời lặn, chiếc máy bay cất cánh và transponder của nó vụt tắt. Người ta cho rằng nó rơi xuống Đại Tây Dương. Và cũng có giả thuyết là nó bị đánh cắp để ông chủ hưởng bảo hiểm.
Ông Scott Hamilton, Giám đốc Quản lý Tư vấn hàng không của công ty Leeham cho biết: “Tôi không thể nghĩ ra vụ máy bay rơi nào trong thời đại máy bay phản lực mà chưa được tìm thấy”.
Máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. 239 người trên máy bay chủ yếu là người Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, người thân của những hành khách phẫn nộ vì hãng hàng không đã không cung cấp thông tin kịp thời khiến họ phải dựa vào tin tức trên báo chí. Và một số thông tin trên báo dẫn đến ngõ cụt. Nhiều thông tin sai lệch cho rằng cuộc tìm kiếm đang giảm đi.
Dù cho máy bay bị nổ trong không trung hay rơi xuống nước thì sẽ luôn có mảnh vỡ. Nếu máy bay bị vỡ “vì lý do kỹ thuật như gãy cánh thì áp lực lớn khiến thân và cánh bị vỡ thành nhiều mảnh. Vì vậy rất khó có chuyện nó bị phá hủy thành tro bụi”, Giáo sư kỹ thuật hàng không Smart nói.
Ông nói thêm có thể có nhiều đống đổ nát dưới đáy biển từ 50-60m tại khu vực máy bay được phát hiện lần cuối. Kích thước của các mảnh vỡ là chỉ số đầu tiên để xác định chuyện gì đã xảy ra, các chuyên gia hàng không nói. Nếu mảnh vỡ lớn thì có khả năng máy bay bị nổ trên cao, có thể do bom hoặc do lỗi kỹ thuật ở khung thân. Nếu mảnh vỡ nhỏ thì có thể máy bay bị rơi, còn nguyên vẹn và chỉ vỡ ra khi chạm mặt nước. Việc tìm thấy các mảnh vỡ có thể mất nhiều ngày.
Vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Indonesia xảy ra ngày 1/1/2007 cũng phải mất một thời gian dài mới tìm ra xác máy bay. Chuyến bay Adam Air chở 102 hành khách bị mất tích trên biển. Một tuần sau đó, tàu hải quân Indonesia mới phát hiện ra kim loại dưới đáy biển. Và phải mất 2 tuần để Hải quân Mỹ nhận tín hiệu từ các dữ liệu chuyến bay, và ghi âm buồng lái, 7 tháng sau hộp đen mới được phục hồi.
Đến nay, thân chiếc máy bay vẫn còn dưới đáy đại dương và Adam Air không còn tồn tại – AP.
Xem clip Điện thoại hành khách trên máy bay mất tích vẫn reo
Bảo Linh (Theo nst)