'Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh', là đôi câu đối chỉnh chu mà vô cùng hợp lý về ẩm thực ngày Tết cổ truyền của ông bà ta xưa.
Dưới đây là cách làm món dưa hành kiệu ngon giòn, đúng điệu cho ngày Tết thêm khoẻ. Tùy số người trong gia đình mà bạn chọn lượng hành, kiệu muối nhiều hay ít.
Cách làm dưa hành
Nguyên liệu với tỷ lệ vừa cho khoảng 5 người trong gia đình:
- 1 kg hành củ (Chọn hành tía là ngon nhất hoặc hành trắng, củ đều thì sẽ ngọt, giòn)
- Đường
- Muối
- Gừng
- Ớt
Cách làm:
- Ngay sau khi mua hành về, bạn ngâm hành vào nước gạo trong khoảng vài tiếng đến vài ngày cho phai bớt vị hăng. Đây cũng là cách giúp bụi ra bớt, lớp vỏ bên ngoài tự bong, khi rửa đất bám gốc hành cũng ra bớt.
- Sau đó, vớt hành ra, bóc lớp vỏ khô bên ngoài, cắt bớt rễ, để lại gốc hành để tránh bị nhũn, ủng. Để hành khô ráo nước.
- Cho hành vào lọ thủy tinh cùng khoảng 200g muối, xóc đều và để trong khoảng 2-3 ngày. Chú ý: Thỉnh thoảng xóc đều lọ để hành ra bớt nước đen.
- Sau đó, đổ hành ra rổ, để ráo nước. Lúc này phần nước đen đã ráo hết, khi muối hành nước sẽ trong và thơm.
- Gừng rửa sạch, cạo vỏ, đập dập. Ớt bỏ hạt cắt lát.
- Pha đường với nước ấm cùng chút muối rồi đổ vào lọ, nếm thử cho vừa độ mặn ngọt. Tiếp tục đổ hành và gừng, ớt vào đảo đều. Chú ý: Lượng nước phải ngập hành.
Đậy kín lọ, để trong khoảng 7-10 ngày là bạn đã có thể lấy hành ra để cùng cả nhà thưởng thức được. Vị cay cay, thanh thanh của hành sẽ khiến cả gia đình cảm nhận được hương vị Tết đậm đà.
Cách muối dưa kiệu
Nguyên liệu với tỷ lệ vừa cho khoảng 5 người trong gia đình:
- 1 kg kiệu
- Một ít tro bếp
- ½ kg đường trắng
- 2 muỗng canh muối hột
- Giấm trắng, cục phèn chua (bằng 1 lóng tay)
- 1 củ tỏi lột vỏ
Thực hiện:
- Hòa tan tro bếp với nước, thả kiệu vào và ngâm qua đêm. Nếu không có tro thì ngâm muối, thời gian ngâm sẽ ít hơn để kiệu không ngấm mặn.
- Vớt kiệu ra, cắt phần rễ và đuôi. Lưu ý: không cắt phần đầu phạm vào trong nếu không kiệu sẽ ngấm nước mà mất đi độ giòn ngon của kiệu. Đem ngâm kiệu vào nước muối. Có thể ngâm kiệu vào nước đá sẽ giòn hơn.
- Vớt kiệu ra, xả vài lượt nước cho sạch. Pha nước phèn chua rồi cho kiệu đã rửa vào. Đem phơi nắng một ngày cho hơi héo.
- Sau khi phơi xong, sơ chế lại kiệu thêm lần nữa, lột bớt màng kiệu và phần rễ khô còn sót lại.
Tiếp theo là bước ngâm củ kiệu, bạn có thể thực hiện theo 2 phương pháp sau, tùy lựa chọn của bạn:
Phương pháp 1:
- Muốn củ kiệu giòn và ăn lâu ngày, bạn có thể cho đường vào trộn đều với kiệu, sau đó cho kiệu vào hũ đậy nắp lại ngâm từ 7-14 ngày. Đây là cách làm kiệu chua tự nhiên, vừa giúp kiệu giòn, có màu trong lại vừa để được lâu mà không sợ kiệu bị chua nhiều hay hóa rượu.
- Sau đó vớt kiệu ra. Nấu giấm cho sôi rồi để nguội, sau đó cho ít kiệu ngâm đường vào ngâm. Bước này giúp kiệu nhanh chua hơn, có vị chua chua đỡ ngán ngày Tết. Nêu không thích mùi giấm, bạn có thể bỏ qua công đoạn này vì ngâm đường 7-14 ngày kiệu đã lên men và có thể thưởng thức.
Phương pháp 2:
- Phương pháp thứ 2 là bạn nấu hỗn hợp nước đường và dấm theo tỉ lệ 1 chén dấm, 1 chén đường , 1/3 muỗng cà phê muối cho thật sôi để đường và muối tan hết. Chờ cho hỗn hợp này thật nguội, sau đó bỏ kiệu vào hũ rồi đổ hỗn hợp này phủ ngập bề mặt kiệu.
Để như vậy khoảng 2 tuần là bạn đã có thể thưởng thức món kiệu thơm, ngon, hấp dẫn.
Gợi ý: Nếu bạn muốn tăng độ hấp dẫn và hương vị cho món kiệu thì ngoài việc thay 2 lần nước kiệu, mỗi lần ngâm khoảng 1 tuần, bạn có thể thêm các loại rau củ có màu sắc đẹp mắt như cà rốt, hành tím, đu đủ, ớt.. vào.