Tin mới

Mỹ “khó xử” trước hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông

Thứ hai, 14/09/2015, 15:35 (GMT+7)

Trung Quốc dường như tiếp tục xây các đường băng trên các rặng đá ở Biển Đông trước thềm chuyến thăm Washington vào ngày 24/9 tới của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc dường như tiếp tục xây các đường băng trên các rặng đá ở Biển Đông trước thềm chuyến thăm Washington vào ngày 24/9 tới của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các tấm ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) chụp vào ngày 8/9 cho thấy Trung Quốc đang san phẳng, cán và rải sỏi lên một vùng có kích cỡ của một đường băng quân sự trên Rặng Subi, Biển Đông - bãi cạn từng ngập nước đã được Trung Quốc cải tạo thành một vùng phù hợp với một căn cứ quân sự. Các chuyên gia Trung Quốc đã giám định các bức ảnh vệ tinh này cho biết, vùng được san phẳng rộng 200 ft (gần 70 mét) và dài gần 1,4 dặm (hơn 2.253 mét), nhưng dự kiến sẽ còn mở rộng và được rải bê tông sau này.

Trên Rặng Mischief, Trung Quốc cũng bắt đầu đắp đất vào một bức thành chắn vuông dài gần 2 dặm (hơn 3.218 mét), giống hệt những công trình đã xây ở Rặng Subi, và đảo Phú Lâm (Woody), nơi có một đường băng đã được hoàn thành, Washington Post trích lời các chuyên gia Trung Quốc.

Ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo đảo trái phép trên Biển Đông. Ảnh: Washington Post

Sự việc xảy ra trong bối cảnh cuộc gặp sắp tới giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama, và chuyến thăm Bắc Kinh mới đây của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice. Mỹ đã thúc giục Trung Quốc ngừng xây dựng trên Biển Đông, và Trung Quốc đã nói vào tháng Tám rằng họ sẽ dừng việc cải tạo trên các đảo này. Nhưng các bức ảnh vệ tinh cho thấy, việc xây dựng vẫn tiếp diễn.

Ảnh của CSIS vào ngày 8/9 và ảnh chụp vào ngày 3/9 đăng trên Diplomat đều cho thấy điều đó.

Michael Green, phó Chủ tịch tại CSIS nói: “Chính phủ Trung Quốc nói rằng họ đã kết thúc phần lớn việc (cải tạo đảo trên Biển Đông – BTV), nhưng rõ ràng là họ đã không làm.”

Ông nói: “Đây là một thách thức, một tình thế khó xử thực sự của Nhà Trắng”, khi mà họ thông báo không có quân sự hóa hay ngừng xây dựng trên Biển Đông, thì rõ ràng, cuối cùng việc đó vẫn tiếp diễn.

Ông còn tiết lộ nguồn tin tức riêng về việc Trung Quốc định quân sự hóa các đảo và rặng đá, và “sẽ không ngăn các Chính sách về tự do hàng hải của Mỹ, nhưng sẽ khiến các hoạt động trở nên phức tạp hơn.”

Hiện Nhà Trắng chưa có bình luận về những tin tức này.

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Bill Urban nói: “Chúng tôi lưu ý về tuyên bố của Trung Quốc vào tháng Tám rằng họ sẽ dừng việc cải tạo. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng cho biết mục đích có thêm các cơ sở hạ tầng khác, trong đó có mục đích quốc phòng. Chúng tôi không rõ họ đã ngừng hay chưa, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ.”

Ông nói thêm, Mỹ khuyến khích không đơn phương gây căng thẳng, trong khi “mục tiêu với các kế hoạch đó của Trung Quốc sẽ không làm giảm căng thẳng hoặc dẫn đến một giải pháp ngoại giao ý nghĩa.”

Mỹ cũng đã thúc giục Trung Quốc giải quyết hòa bình thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù Mỹ đã thúc giục Trung Quốc ngừng các hoạt động trên Biển Đông, Bắc Kinh không cho thấy dấu hiệu buông xuôi. Trong khi đó, Trung Quốc bất hợp pháp tuyên bố sở hữu gần như toàn bộ Biển Đông.

Việc này đã dẫn đến những chỉ trích ở Mỹ trước chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình bởi những bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông, an ninh mạng, ăn cắp các tài sản trí tuệ….

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain (R-Ariz) nói: “Nếu Trung Quốc đang xây thêm hai đường băng tại rặng đá Subi và Mischief, nó cho thấy hai điều. Thứ nhất, việc cải tạo đảo vẫn tiếp diễn mặc tuyên bố ngược lại của Bắc Kinh. Thứ hai, nó cho thấy mục đích rõ ràng của Bắc Kinh là quân sự hóa quần đảo Trường Sa bằng không lực và sử dụng ba hòn đảo nhân tạo khác. Cùng với các radar và tên lửa đất đối không, Trung Quốc có thể thiết lập nên vùng nhận diện phòng không, và khiến vùng biển ở Biển Đông bị đe dọa.”

Cùng lúc, một việc chưa từng có là 5 tàu hải quân Trung Quốc đã đi qua Biển Bering, gần với bờ biển Alaska.

Đây là lần đầu tiên tàu chiến của hải quân Trung Quốc tiến sát tới bờ biển nước Mỹ đến vậy mà không có lời mời đến thăm chính thức. Số tàu chiến, tàu đổ bộ và tàu tiếp tế này vừa hoàn thành một cuộc diễn tập chung với hải quân Nga hồi tuần trước.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói vào ngày 3/9 rằng những tàu này hoạt động trong vùng biển quốc tế và không đe dọa đến Mỹ.

Lầu Năm Góc là bên chỉ trích những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông nhiều nhất. Vào đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã kịch liệt lên án những hoạt động của Trung Quốc, nhấn mạnh vào số lượng lớn tàu buôn trên Biển Đông. Các nhóm bảo vệ môi trường cũng nói rằng hoạt động xây dựng tại các rặng đá đe dọa hệ sinh thái biển trong khu vực.

Trong một cuộc họp tại Diễn đàn an ninh Aspen vào tháng Bảy, ông Harri Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nói: “Trung Quốc đang tạo nên một bức thành cát lớn” và cảnh báo “những kiểu hành động khiêu khích” của họ “vi phạm luật pháp quốc tế.” Ông nói: “Không có gì ngạc nhiên khi phạm vi và tốc độ xây dựng những đảo nhân tạo làm dấy lên những câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc.”

Ông Green từ CSIS thì cho rằng, ngay cả khi ông Tập Cận Bình thăm Mỹ, phía Trung Quốc sẽ không thoái lui và dừng việc xây dựng trên Biển Đông.

Theo Chi MK/Washington Post

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news