Tin mới

Mỹ - Trung "giằng co" quyết liệt trên Biển Đông

Thứ năm, 21/05/2015, 16:34 (GMT+7)

Trước những động thái ngày càng hung hăng, quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ đã không còn ngồi yên đứng nhìn.

Trước những động thái ngày càng hung hăng, quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ đã không còn ngồi yên đứng nhìn.

Nóng từ lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông

12h trưa ngày 16/5, Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Theo tin tức mà Tân Hoa Xã đưa, lệnh cấm đánh bắt cá này do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra, kéo dài trong vòng 2 tháng rưỡi, đến 12h ngày 1/8. Khu vực chịu ảnh hưởng của lệnh cấm này nằm trong phạm vi từ 12 độ vĩ bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả vùng Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm được áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc lẫn nước ngoài.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi phát biểu trước báo chí rằng Bắc Kinh hàng năm vẫn đưa ra lệnh cấm đánh bắt vào mùa hè và đây chỉ là việc để nước này hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ nguồn cá với quốc tế. “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán”, ông Hồng nói.

Trước động thái này của Trung Quốc, ngay trong ngày 16/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định Trung Quốc đưa ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá trên Biển Đông là quyết định vô giá trị và Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định đó.

Trong ngày 18/5, Hội nghề cá Việt Nam cũng đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và các cơ quan Trung ương liên quan để phản đối việc Trung Quốc ban hành lệnh đánh bắt cá ở Biển Đông.

“Hội nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối hành động đơn phương, hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quyết định trên của phía Trung Quốc là vô giá trị” - công văn Hội Nghề cá nêu rõ.

Tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3) tuần tra gần quần đảo Trường Sa, phía sau bên trái là tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (FFG 546) của Trung Quốc bám theo, ngày 11.5.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Mỹ vào cuộc

Trước những động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là việc thúc đẩy hoạt động xây đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa các đảo này, Mỹ đã bắt đầu vào cuộc.

Ngày 16/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, ông Kerry hối thúc Trung Quốc phải giảm bớt các hành động gây căng thẳng trên Biển Đông. Truyền thông quốc tế đưa tin trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ở thủ đô Bắc Kinh, ông John Kerry tuyên bố ông quan ngại trước tốc độ và quy mô của các dự án cải tạo của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc ra sức thực hiện các dự án bồi đắp đảo nhân tạo trên các bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam để biến thành các căn cứ quân sự. Các chuyên gia quân sự nhận định đây là để chuẩn bị cho việc thành lập khu vực nhận dạng phòng không bất hợp pháp tại vùng biển này.

Đáp lại ý kiến của ông Kerry, ông Vương Nghị nói: “Liên quan tới các công trình trên quần đảo Nansha (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các rạn san hô, điều này hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.

“Tôi muốn khẳng định lại rằng quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình cứng như một tảng đá”, ông Vương nói.

Trong cuộc gặp với ông Vương Nghị, ông Kerry đã bị lạnh nhạt. Nhưng đến cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, ông lại được Chủ tịch Tập Cận Bình vuốt ve với lời đề nghị: “Tôi mong muốn phát triển mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Barack Obama và đưa quan hệ Trung-Mỹ thành quan hệ nước lớn kiểu mới”.

Bất chấp những quan điểm khác biển xung quanh vấn đề căng thẳng tại Biển Đông, ông Tập Cận Bình tuyên bố quan hệ Mỹ - Trung vẫn ổn định.

Trước đó, hàng loạt chính khách Mỹ đã lên tiếng kêu gọi “tẩy chay” Trung Quốc trong bối cảnh nước này gia tăng các hoạt động cải tại Biển Đông.

Ngày 5/5, một số nghị sĩ Mỹ kêu gọi Tổng thống Obama rút lời mời Bắc Kinh tham dự cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất thế giới RIMPAC được tổ chức ở vùng biển ngoài khơi Honolulu vào năm 2016 tới.

Ngày 19/5, Phó tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc Michelle Howard đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về ý đồ xây đảo nhân tạo tại vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Tại Triển lãm phòng thủ biển quốc tế, đang diễn ra tại Singapore, bà Michelle hỏi: “Tôi cho rằng giờ là lúc để Trung Quốc nói về ý nghĩa hoạt động lấn biển của họ”, bà Howard nói. “Từ quan điểm của tôi, không ai tin rằng họ đang xây một khu nghỉ dưỡng ở đó. Do vậy phải có ai đó giải thích họ đang dựng lên cái gì ở ngoài đó”.

Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry, Lầu Năm Góc đã xem xét đến việc đưa máy bay quân sự và tàu tuần tra tới để khẳng định quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết Washington sẽ gửi máy bay và tàu tới khu vực nằm trong 12 hải lý thuộc những bãi đá mà Trung Quốc đang bồi đắp ở Trường Sa.

Mỹ đã cử tàu chiến USS Forth Worth (LCS-3), một trong những chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân nước này, cùng một máy bay trinh sát không người lái và một trực thăng Seahawk tới tuần tra vùng trời tại khu vực Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông. Đây là tin tức được đăng tải trên website của Hải quân Mỹ.

Trong khi không nhắc đến việc cải tạo đất nhanh chóng của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, những động thái của tàu Mỹ được xem như là việc thể hiện năng lực của Mỹ trước khả năng Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (AIDZ) trong khu vực này – một động thái mà các chuyên gia và nhiều quan chức quân sự Mỹ cho rằng rất có thể xảy ra.

Đáp lại động thái này của Mỹ, Trung Quốc đã điều tàu Type 054A đeo bám và theo dõi chiến hạm USS Forth Worth khi tàu này tuần tra trên Biển Đông.

Ngày hôm nay, CNN đã đăng tải thông tin máy bay trinh sát của Mỹ và các lực lượng của Trung Quốc đã có cuộc đối đầu nhau tại khu vực đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Máy bay trinh sát của Mỹ tại khu vực đảo nhân tạo trái phép mà Trung Quốc đang xây dựng

Hải quân Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đến 8 lần khi một máy bay do thám của Mỹ bay sát những hòn đảo mà Bắc Kinh dùng để mở rộng ảnh hưởng của mình.

Một loạt các đảo nhân tạo và lực lượng quân sự lớn đang được xây dựng trên đó đã cảnh báo Lầu Năm Góc khi thực hiện những chuyến bay giám sát để bày tỏ quan điểm không công nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Những hòn đảo được quân sự hóa này cũng đã cảnh báo các đồng minh khu vực của Mỹ.

Nhiệm vụ của máy bay trinh sát Mỹ ngày hôm qua là theo dõi các hoạt động của Trung Quốc trên 3 hòn đảo mà nước này xây dựng trên những rạn san hô vài tháng gần đây. Mỹ quan ngại rằng những dự án xây dựng khổng lồ này sớm biến thành các căn cứ quân sự.

Trung Quốc tăng cường năng lực hạt nhân

Trong khi Mỹ ngày càng cứng rắn về tình hình Biển Đông, ngày 19/5, tờ Hoàn Cầu thời báo – tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc – đưa tin Bắc Kinh gần đây đã hoàn thiện tiềm lực hạt nhân, tăng tầm bắn tối đa cho các phương tiện chở vũ khí hạt nhân đồng thời bắt đầu lắp nhiều đầu đạn độc lập.

Các chuyên gia quân sự chi ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, Trung Quốc áp dụng lập trường này để có thể chống lại Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tờ New York Times cũng dẫn nguồn cơ quan tình báo Mỹ cho biết chính phủ Trung Quốc đã hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân của mình, tăng tầm bắn cho tên lửa hạt nhân, đồng thời trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân độc lập có thể đồng thời tiêu diệt vài mục tiêu.

Trước đó, ngày 15/5, tờ Hoàn Cầu thời báo đã cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân sau khi Mỹ đề nghị đưa tàu chiến và máy bay trinh sát tới giám sát khu vực đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh tại Biển Đông. Bài bình luận đã cảnh báo nếu Nhà Trắng thực hiện kế hoạch này thì “Mỹ sẽ biến Biển Đông thành một thùng thuốc súng”.

Bài viết với giọng điệu khiêu khích: “Washington đã quá ngây thơ nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ kiên nhẫn kiềm chế trong trường hợp này Mỹ nên nhớ Trung Quốc là một cường quốc có vũ khí hạt nhân, và quân đội Mỹ chẳng có đường nào để triển khai những hành động liều lĩnh tại Biển Đông”.

 “Với việc Trung Quốc ở gần Biển Đông hơn và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình, Mỹ, mặc dù có đội quân hùng mạnh nhất thế giới, cũng sẽ không có cơ hội áp đảo Trung Quốc. Ngoài ra, xung đột kéo dài cuối cùng sẽ tước đi quyền bá chủ của Mỹ đối với những quốc gia khác trong khu vực, vốn chỉ là nạn nhân của cuộc chiến”, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Chúng tôi xin dẫn lời Cựu Phó giám đốc CIA Michael Morell để khép lại bài tổng hợp này:  Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc ám chỉ một xu hướng lớn hơn đó là siêu cường kinh tế của châu Á sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh và điều này "hoàn toàn" có thể dẫn tới chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bảo Linh

 

 

 

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news