Ý nghĩa ngày rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu
Các cụ xưa đã có câu "cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" với mong muốn nói nên sự quan trọng của ngày này đối với người dân Việt Nam từ xưa tới nay. Ngày rằm tháng Giêng hay là ngày 15 tháng Giêng Âm lịch còn được gọi là ngày Tết Nguyên Tiêu.
Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt. Vào ngày này, người người, nhà nhà sẽ chuẩn bị làm lễ cúng rằm rất tươm tất, chu đáo, với mong muốn cầu cho một năm Bình An và nhiều may mắn.
Đối với văn hóa của người Việt, lễ rằm tháng Giêng là Tết muộn, bởi những gia đình khá giả vẫn sẽ tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn. Đây cũng là dịp những người đau yếu, gia đình có tang ma… được ăn Tết bù.
Bên cạnh đó, theo lịch của nhà nông, rằm tháng Giêng cũng là dịp khởi đầu cho vụ gieo trồng mới. Với quan niệm "đầu xuôi, đuôi lọt", trước khi bắt đầu vào vụ mới, người dân sẽ thường làm lễ cầu, cúng cho một năm thuận hòa.
Cúng rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu vào ngày nào tốt nhất, cúng những gì?
Theo các chuyên gia Phong thủy, tùy vào điều kiện công việc, hoàn cảnh mà người dân có thể cúng rằm vào trước hoặc đúng ngày. Tuy nhiên tốt nhất vẫn là cúng vào buổi sáng hôm chính rằm.
Khi thực hiện cúng rằm tháng Giêng, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ mặn, mâm hoa quả, hoa tươi, bánh trôi, chay với mong muốn một năm mới trôi chảy để dâng lên bàn thờ.
Tùy vào điều kiện gia đình, vùng miền mà các mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng cũng khác nhau. Tuy nhiên mong muốn chung của tất cả mọi người đều là cầu một năm thuận buồn xuôi gió, một năm hanh thông và khỏe mạnh.