Trung Quốc hy vọng sẽ củng cố vị thế của mình như một cường quốc toàn cầu khi nước này làm chủ nhà của hội nghị G20, nơi quy tụ lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối tuần này, nhưng có những hoài nghi rằng phương Tây và các đồng minh sẽ cố gắng phủ nhận những gì mà Bắc Kinh gọi là vị trí xứng đáng của mình trên trường quốc tế.
Đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chủ tịch Tập Cận Bình, và là một dấu hiệu quan trọng để đánh giá về mức độ thành công của Trung Quốc qua hội nghị thượng đỉnh G20 lần này.
Trung Quốc đặt nhiều toan tính chính trị vào G20 lần này. Ảnh: RT |
Bắc Kinh muốn sử dụng cuộc họp diễn ra vào ngày 04-05 tháng 9 tại trung tâm du lịch của Hàng Châu để đề ra một chiến lược rộng lớn cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng các cuộc đàm phán có thể sẽ bị lu mờ bởi những tranh cãi về các vấn đề liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước trong khu vực, các nhà ngoại giao cho biết.
"Ở vị thế của Trung Quốc, họ cho rằng người Mỹ đang cố gắng bao vây họ," một phái viên cấp cao của phương Tây cho biết, đây là miêu tả cuộc trò chuyện với các quan chức Trung Quốc trước G20. Trung Quốc phàn nàn về sự can dự của Mỹ tại Biển Đông và một hệ thống chống tên lửa tiên tiến được Mỹ triển khai tại Hàn Quốc.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã vô cùng tức giận bởi một phán quyết chống lại tuyên bố phi lý của mình ở Biển Đông được đưa ra bởi một tòa án quốc tế trong vụ kiện được khởi xướng bởi Manila nhưng Bắc Kinh lại một mực đổ lỗi Washington về phán quyết.
Trong khi Trung Quốc muốn đảm bảo sự kiện quy tụ lãnh đạo thế giới lớn nhất của năm đi tới thành công, ông Tập sẽ chịu áp lực lớn ngay trên chính "sân nhà" để đảm bảo sự mạnh mẽ của ông khi đối mặt với những thách thức uy quyền của mình về các vấn đề như Biển Đông, theo các phương tiện truyền thông nước này đưa tin.
Trung Quốc đã nói rõ rằng họ không muốn những vấn đề như thế làm lu mờ hội nghị, với sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tổ chức một đợt tuyên truyền lớn cho ý tưởng rằng "G20 sẽ là nơi để Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc hình thành các quy tắc quản trị toàn cầu và đưa ra khuôn mẫu đảm bảo tốc độ tăng trưởng toàn cầu bền vững". Tờ Nhân dân nhật báo nói rằng điều này có thể xảy ra, đó sẽ là là một trong những hội nghị G20 thành công nhất lịch sử.
"Chúng ta hãy làm cho sự hợp tác ngày càng cao," báo này viết trong một bài bình luận hồi tuần trước.
Nhưng các nhà nghiên cứu về chuyển biến nhà nước của Study Times viết vào giữa tháng Tám rằng các nước phương Tây đã cố gắng để phủ nhận một Trung Quốc đang lên và từ chối Trung Quốc với một tiếng nói thích hợp trên sân khấu thế giới cùng các chương trình như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu.
"Trung Quốc đang cố gắng để giành lấy quyền quản trị toàn cầu, họ đang ấp ủ về một 'liên minh thần thánh" mới, phấn đấu để thiết lập quy tắc mới ". Một tờ báo của Trung ương Đảng Trung Quốc đã viết trong một bài bình luận về G20.
"Nhưng những quy định mới của phương Tây sẽ loại trừ Trung Quốc."
Sự tức giận với Anh, Úc
Ở nước ngoài, Trung Quốc đã tức giận bởi những câu hỏi của Anh và Úc trong chiến lược đầu tư của Trung Quốc tại quốc gia của họ, các nước này cho rằng chiến lược này thoáng có "mùi" của chủ nghĩa bảo hộ và hoang tưởng.
Australia đã ngăn chặn việc ký kết một hợp đồng trị giá 7,7 tỷ đô liên quan đến dự án lưới điện lớn nhất quốc gia cho các nhà thầu Trung Quốc, trong khi nước Anh đã quyết định trì hoãn một dự án hạt nhân trị giá đến 24 tỷ đô do người Trung Quốc đầu tư.
Nhưng các quan chức phương Tây có mối quan tâm riêng của họ về quyền lợi của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc và đang ngày càng không dè dặt khi nói về điều đó.
Joerg Wuttke, Chủ tịch Liên minh Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, đã có một sự thay đổi trong thái độ tiếp cận, các quan chức châu Âu đã bày tỏ sự không hài lòng với những vấn đề dư thừa của Trung Quốc, từ đó dẫn đến một sự mất cân bằng trong việc tiếp cận thị trường đối ứng cho các công ty châu Âu. "Nó đã đạt đến điểm mà mọi người không ngại nói ra nữa. Họ cảm thấy như họ cần phải cứng rắn hơn trước các cử tri của mình," Wuttke nói với Reuters.
Một quan chức châu Âu tham gia vào các vấn đề thương mại với Trung Quốc bày tỏ sự bực tức trước thái độ của Trung Quốc về chủ nghĩa bảo hộ.
"Lãnh đạo Trung Quốc sẽ đuổi bạn ngay lập tức nếu bạn nói rằng bạn muốn mua một phần lưới điện của họ. Bạn sẽ không có cơ hội nói hết câu cuối," quan chức trên nói thêm.
Không ai trong số này sẽ làm "xuôi chèo mát mái" G20 lần này.
"Trung Quốc đang tức giận với hầu hết mọi người vào lúc này," một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh, người quen thuộc với các hội nghị thượng đỉnh nói hôm thứ hai.
Chắc chắn rằng, Trung Quốc không muốn một hội nghị G20 "phẳng lặng", một nhà ngoại giao khác của phương Tây cho biết.
"Nó rất quan trọng từ quan điểm của niềm tự hào quốc gia", nhà ngoại giao này cho biết, nhưng ông cũng chỉ ra rằng trước giờ có rất ít hội nghị G20 hướng sự quan tâm của mình ra các vấn đề khác ngoài kinh tế. Việc Trung Quốc muốn "lợi dụng" G20 để đạt được các mục đích chính trị khác là một sự mạo hiểm.
"Đó là một bãi mìn cho Trung Quốc."
Những lo lắng về Nhật Bản
Cuối cùng là Nhật Bản, một đất nước đã bị Trung Quốc lôi kéo vào vụ tranh chấp nhiều thập kỷ qua về quá khứ thời chiến và các cuộc cãi vã xung quanh một nhóm các đảo không có người ở trên biển Hoa Đông.
Tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản hãy có tinh thần "xây dựng" tại G20, với nỗi sợ hãi sâu sắc hơn của Bắc Kinh rằng Nhật Bản đang tích cực tham gia vào các tranh chấp Biển Đông, theo chỉ thị của đồng minh Hoa Kỳ.
Wang Youming, người đứng đầu chương trình các nước đang phát triển tại bộ ngoại giao Trung Quốc, đã viết trong tờ báo Trung Quốc phổ biến là tờ Global Times rằng G20 càng đến gần, Nhật Bản càng cố gắng để gây ra thêm rắc rối.
"Nhật Bản đang vướng vào các vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông, cổ vũ Philippines, và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng kết quả của cái gọi là" phán quyết quốc tế", ông Wang đã viết.
"Nhật Bản lại sử dụng thủ đoạn cũ, không khó để nghĩ rằng nước này đang cố gắng làm mọi chuyện rối lên."
Quý Vũ (Reuters)