Trung Quốc đang lên một kế hoạch nhằm thuyết phục Ấn Độ và một số nước khác không đưa vấn đề biển Đông vào thảo luận trong hội nghị G20 sắp tới.
Thủ tướng Ấn Độ và ngoại trưởng Trung Quốc. Ảnh: NCN |
Theo Times of India, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Ấn Độ 3 ngày, bắt đầu từ 12/8. Mục đích của chuyến thăm là cố gắng thuyết phục Thủ tướng Narendra Modi không tham gia cùng các nước khác trong việc đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, tháng 9 này.
Trung Quốc không muốn có một cuộc thảo luận về chủ đề Biển Đông hay phán quyết trọng tài tại G-20 và mong muốn Ấn Độ không tham gia nếu nhận được đề nghị từ bất kỳ nước nào.
Qua đây, các chuyên gia nhận định, có thể thấy rõ Trung Quốc sẽ không từ thủ đoạn nào để ngăn chặn vấn đề Biển Đông, phán quyết trọng tài khỏi chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G-20 như đã làm với ASEAN trong cuộc họp tại Côn Minh, Trung Quốc lẫn Vientianes, Lào.
Trung Quốc được cho là đang cố gắng "kéo nhây" tình hình tối đa có thể để tận dụng sự "lơ là" của Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới và sau đó là quá trình chuyển giao quyền lực giữa ông Obama và tân tổng thống. Khi đó, Trung Quốc mới thực sự tung ra các hoạt động "cứng rắn" hơn.
Thêm vào đó, sau phán quyết vừa rồi của tòa án Trọng tài quốc tế, hình ảnh của Trung Quốc trên chính trường Thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề và họ không muốn bị "bêu rếu" thêm tại một hội nghị diễn ra trên chính nước mình. Sau khi bảo toàn được uy tín, Trung Quốc sẽ tiến hành các toan tính tiếp theo.
Bắc Kinh đang vô cùng lo lắng rằng một số nước trong đó có Hoa Kỳ sẽ nêu vấn đề Biển Đông ra hội nghị, đặc biệt là khi Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã ra phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, ngày 12/7.
Chuyên gia về Chính sách quốc phòng Harry J. Kazianis cho rằng Trung Quốc có mọi động cơ để giữ lửa ở Biển Đông cho đến tận sau Hội nghị thượng đỉnh G-20.
"Như Bắc Kinh đã từng nói, họ đã chuẩn bị tất cả, chỉ chờ thời điểm thích hợp là ra tay. Hiện tại, các nước Đông Nam Á và thậm chí toàn khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương nên chuẩn bị sẵn sàng", chuyên gia Kazianis cảnh báo.
Cũng có những nhận định tương tự, các chuyên gia của CSIS cho rằng : “Những bước đi tiếp theo của Trung Quốc trong những hoạt động xâm lấm có thể xảy ra trong vài tháng nữa, sau Thượng đỉnh G20, nhưng cũng có thể sớm hơn”.
Nghiêm Thu