Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc cải tạo đất và xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc trong ngày hôm nay.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói chuyện với nhau trước cuộc hội đàm song phương tại Trung tâm Thương mại Thế giới Putra ngày hôm nay (5/8). |
Ông John Kerry đã đưa ra các phát biểu trước Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48, nơi căng thẳng tại Biển Đông đang trở thành tâm điểm.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry đã nói với ông Vương rằng Washington không có chỗ đứng trong các yêu sách lãnh thổ tại vùng biển chiến lược này nhưng vẫn muốn thấy các nước liên quan giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông Kerry tái khẳng định mối quan tâm của Mỹ đối với việc "quân sự hóa" các hòn đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
"Ông ấy khuyến khích Trung Quốc cùng các bên tranh chấp khác ngăn chặn những hành động có vấn đề để tạo ra không gian cho ngoại giao", vị quan chức này cho biết.
Trong bài phát biểu ngắn với báo giới sau cuộc hội đàm với ông Kerry, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ theo đuổi "các cuộc thảo luận hòa bình" để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, ông không nói rõ thêm.
Các ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc gần như đã hoàn thành một đường băng quân sự dài 3.000m tại một trong 7 hòn đảo thuộc Trường Sa.
Theo tin tức từ các chuyên gia an ninh, đường băng này đủ cho hầu hết các máy bay quân sự của Trung Quốc hoạt động, giúp Bắc Kinh vươn tới trung tâm hàng hải Đông Nam Á dễ dàng hơn.
Khẩu chiến nảy lửa
Trung Quốc nói rằng họ không muốn tranh chấp Biển Đông được đề cập tại các cuộc họp của ASEAN trong tuần này nhưng một số bộ trưởng, trong đó có chủ nhà Malaysia, đã từ chối, nói rằng đây là vấn đề quá quan trọng, không thể bỏ qua.
Trong một tuyên bố của mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Minoru Kiuchi "bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, trong đó có việc cải tạo đất quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự".
Bất chấp ý kiến chung của một số bộ trưởng khu vực Đông Nam Á về việc cần phải giảm căng thẳng, ASEAN vẫn chưa đưa ra được thông cáo theo lệ thường sau cuộc hội đàm thường niên giữa các ngoại trưởng vào ngày 4/8.
"Về Biển Đông, tôi nghĩ chúng ta có thể tiến gần tới một công thức", ông Jakkrit Srivali, Tổng giám đốc bộ phận ASEAN, thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết.
Theo dự kiến, sẽ có một thông cáo được đưa ra cuối buổi họp chung giữa ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác vào ngày mai, 6/8.
Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đồng ý lập đường dây nóng của các ngoại trưởng để giải quyết tình trạng khẩn cấp trên biển, một quan chức cấp cao ASEAN cho biết. Điều này có thể sẽ được đưa vào thông cáo.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ có cuộc hội đàm cuối cùng với các Ngoại trưởng ASEAN vào ngày hôm nay.
Ngày 3/8, ông đã mô tả lời kêu gọi đóng băng hoạt động tại Biển Đông là "khong thực tế".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói những người đồng cấp ASEAN trong một cuộc họp riêng là Washington muốn thấy sự ổn định tại Biển Đông: "Chúng tôi muốn đảm bảo an ninh tại các tuyến đường biển quan trọng, các ngư trường và thấy tranh chấp trong khu vực được giải quyết trong hòa bình, theo luật pháp quốc tế".
Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu ngừng xây dựng trên các đảo nhân tạo tại khu vực tranh chấp.
Bắc Kinh cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông bằng việc tiến hành tuần tra và tập trận chung tại khu vực.
Một quan chức ngoại giao cấp cao Hoa Kỳ cho biết ông Kerry và ông Vương cũng đã thảo luận về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ vào tháng 9 tới, cũng như mối quan tâm của Mỹ về an ninh mạng và nhân quyền tại Trung Quốc.
"Họ đồng ý rằng có rất nhiều thách thức chung mà 2 nước cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết, như biến đổi khí hậu, phát triển và đối thoại, hợp tác nhiều hơn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn rất quan trọng".
Bảo Linh (theo Reuters)