Tin mới

Nhật Bản nới Hiến pháp đẩy Trung Quốc vào thế "ngồi trên đống lửa"

Thứ năm, 03/07/2014, 14:57 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Thái độ tức tối của Trung Quốc trước việc Nhật Bản diễn giải lại Hiến pháp không phải điều gì bất ngờ bởi hơn ai hết, Bắc Kinh hiểu rằng, khi quân đội Nhật Bản được tham chiến ở các nước đồng minh, đó sẽ là rào cản lớn nhất cho "mộng bá" khu vực của họ.

(Tinmoi.vn) Thái độ tức tối của Trung Quốc trước việc Nhật Bản diễn giải lại Hiến pháp không phải điều gì bất ngờ bởi hơn ai hết, Bắc Kinh hiểu rằng, khi quân đội Nhật Bản được tham chiến ở các nước đồng minh, đó sẽ là rào cản lớn nhất cho "mộng bá" khu vực của họ.

 

Quyền "phòng vệ tập thể" của Nhật bao gồm những gì?

Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chính sách thay đổi cách diễn giải hiến pháp đã được nội các thông qua này quy định 4 trường hợp mà Nhật Bản có thể thực thi quyền “phòng vệ tập thể.”

Thứ nhất, quân đội Nhật Bản có thể sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn các tên lửa nhắm đến Mỹ. 

Thứ hai, hải quân Nhật Bản có thể được triển khai nếu tàu chiến Mỹ bị tấn công ngoài biển khơi. 

Thứ ba, Nhật cũng có thể huy động lực lượng để phản công nếu bị nước ngoài tấn công trên lãnh thổ nước ngoài. 

Thứ tư, Nhật được sử dụng lực lượng để loại bỏ các trở ngại trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Abe trình bày các phương án thực thi quyền phòng vệ tập thể

Tờ Tin tức Đa Chiều của người Trung Quốc hải ngoại cho rằng, 4 trường hợp này được vạch ra nhằm ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, bảo vệ quan hệ đồng minh với Mỹ và để bảo vệ an ninh của Nhật Bản trước các mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Động thái này của Nhật đã nhận được sự tán đồng từ Mỹ, khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho rằng “đây là một bức quan trọng để Nhật có đóng góp to lớn hơn cho hòa bình, an ninh khu vực và thế giới”.

Trái lại, Trung Quốc thì như đang “ngồi trên tổ kiến lửa” trước động thái quyết liệt trên của chính phủ Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức tổ chức một cuộc họp báo để cáo buộc Nhật “tái quân phiệt hóa”, nơi người phát ngôn Hồng Lỗi cao giọng lên án Nhật Bản “thêu dệt nên mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Mặc dù Trung Quốc đang có những động thái gây hấn, ngang ngược trên Biển Đông với các nước láng giềng, họ lại lớn tiếng đòi Nhật Bản “tôn trọng các quan ngại an ninh chính đáng của các quốc gia láng giềng ở châu Á và giải quyết vấn đề liên quan một cách khôn ngoan”.

Theo Đa Chiều, sau khi việc thay đổi cách diễn giải hiến pháp này được quốc hội Nhật Bản thông qua, lực lượng vũ trang nước này sẽ chuyển từ chính sách tập trung phòng thủ sang chiến lược tấn công, và họ có thể đánh trả bên thứ ba không trực tiếp tấn công Nhật Bản.

Giới chức và truyền thông Trung Quốc "nổi đóa"

Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ khi quyền phòng vệ tập thể được thông qua, giới phân tích cho rằng, chính sách quân sự mới của Nhật Bản cũng có thể giúp cho Tokyo dễ dàng tìm kiếm các liên Minh Quân sự mới với Philippines và các quốc gia khác có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, chính điều này khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an và phản đối kịch liệt

Phát biểu sau khi Nhật Bản thông báo việc nội các nước này thông qua việc điều chỉnh Hiến pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, thời gian qua Đảng cầm quyền ở Nhật Bản liên tục có những động thái gây tranh cãi về vấn đề lịch sử, theo đuổi những chính sách an ninh quân sự trước đây chưa từng có, nhằm tạo ra những thay đổi quan trọng trong chính sách an ninh quốc phòng.

Ông Hồng Lỗi cảnh báo Nhật Bản không được lấy lý do về "mối đe doạ từ Trung Quốc " để thúc đẩy việc mở rộng vai trò của quân đội, đồng thời cảnh báo việc Nhật Bản thay đổi trong chính sách không được làm tổn hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Trung Quốc cảnh báo việc Nhật Bản thay đổi trong chính sách không được làm tổn hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc

Không chỉ có những phát ngôn chính thức, truyền thông Trung Quốc cũng đã đồng loạt lên tiếng phản đối động thái của Nhật Bản và gọi đây là một mối đe dọa an ninh châu Á.

Bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo có đoạn viết: "Chính phủ Nhật Bản có tham vọng phá vỡ hệ thống thời hậu chiến", đồng thời xem động thái trên của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe là "một tín hiệu nguy hiểm”.

Trong một bài bình luận tối 1/7, Tân Hoa xã còn thách thức Tokyo với câu hỏi "Trung Quốc có phải là chương trình nghị sự quân sự của các bạn?". Theo bài bình luận này, "Nhật Bản có lịch sử thực hiện các cuộc tấn công lén lút như đã làm trong việc phát động các cuộc chiến tranh với Trung Quốc, Nga... Nay Nhật Bản, với quyền tự do sử dụng sức mạnh quân sự lớn hơn, sẽ khiến cả thế giới lo ngại hơn".

Tờ Trung Quốc Nhật báo thì viết rằng "nỗ lực ngoan cố của các chính trị gia Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Shizo Abe, nhằm viết lại lịch sử và hồ sơ đáng sợ của nước này trong Thế chiến II là minh chứng cho thấy Nhật Bản không xứng đáng được đối xử như một quốc gia bình thường".

Những nỗi bất an này của Trung Quốc được phản ánh trong một bài bình luận đăng trên tờ Nhật báo Quân Giải phóng, trong đó Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang bí mật “đẩy Nhật Bản đến con đường này” vì lợi ích của chiến lược “trở lại châu Á” mà Mỹ đề ra.

Báo Quân Giải phóng còn cho rằng đối tượng mà quân đội Nhật Bản luôn nhắm đến trong các cuộc diễn tập, tập trận là Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Trên bối cảnh đó, tờ báo cáo buộc rằng Nhật Bản đang tìm cách xây dựng một liên minh an ninh ở châu Á với sự tham gia của các nước có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc để cùng nhau chống lại tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Trung Quốc bất an trên "đống lửa"

Cũng theo tờ Đa chiều, sở dĩ Trung Quốc bất an và lo lắng khôn nguôi là vì quyết định trên của chính phủ Nhật Bản có những tác động trực tiếp đến tính toán chiến lược của Trung Quốc trong mưu đồ bành trướng lãnh thổ.

Thứ nhất, với việc thay đổi chính sách này, giờ đây Nhật có thể hợp tác chặt chẽ hơn với Úc, Ấn Độ và ASEAN trong các vấn đề an ninh để tạo ra một hệ thống cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong khu vực. Nếu Trung Quốc dám thực hiện một cuộc phiêu lưu quân sự trên Biển Đông, Nhật Bản sẽ có khả năng tham chiến chống lại Trung Quốc một khi Mỹ quyết định can thiệp.

Theo Hiến pháp mới sửa đổi, quân đội Nhật thậm chí có thể tham chiến ở Biển Đông nếu Trung Quốc tiếp tục có hành động gây hấn

Thứ hai, quyết định trên sẽ đẩy nhanh quá trình hợp tác giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản, giúp Nhật Bản có đủ năng lực để đơn phương hoặc cùng Mỹ ngăn chặn Trung Quốc nếu Bắc Kinh tìm cách thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Thứ ba, thông qua quá trình hợp tác này, một lực lượng liên quân Mỹ-Nhật sẽ hình thành, giúp Nhật có thể tạo ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có cả các tranh chấp trên Biển Đông. Quá trình này sẽ biến Nhật thực sự trở thành một đối trọng của Trung Quốc ở châu Á, góp phần kiềm chế các hành động hung hăng, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế của Trung Quốc.

Diễn giải lại Hiến pháp là thay đổi to lớn nhất về chính sách kể từ khi Nhật Bản thành lập lực lượng phòng vệ thời hậu chiến từ 60 năm trước. Sửa đổi này còn nới lỏng những giới hạn trong hoạt động của Nhật trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Các lực lượng vũ trang Nhật Bản sẽ liên minh nhiều hơn với quân đội các quốc gia tiên tiến khác. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ thận trọng khi tham gia các hoạt động đa phương như cuộc chiến của Mỹ ở Iraq năm 2003.

 

Yên Yên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news