Mít là loại quả hấp dẫn bởi mùi thơm, màu sắc và cả vị giác vì độ ngọt hấp dẫn. Mít chứa rất nhiều vitamin A, C, canxi, kali, magiê và nhiều chất dinh dưỡng khác rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn mít. Dưới đây là những người không nên ăn mít để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe:
- Người suy thận mãn tính: Với những bệnh nhân bị suy thận mãn tính nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Do khi bị suy thận kali bị ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu, nếu quá nhiều sẽ dẫn đến tử vong do ngừng tim mà không có dấu hiệu báo trước nào.
- Người tạng nhiệt: Nếu có cơ địa nóng, bạn không nên ăn mít vì hàm lượng đường cao trong loại quả này khiến bạn càng nóng nực, khó chịu thêm.
- Người bị tiểu đường: Người bệnh tiểu đường cần phải ăn uống theo một chế độ ăn kiêng chất đường". Trong khi đó, mít có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza, khi ăn vào được cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng.
- Người bị gan nhiễm mỡ: Mít chứa nhiều đường nên không tốt cho gan và dễ gây nóng trong. Những người bị gan nhiễm mỡ có kèm viêm gan vừa hoặc nặng nên hạn chế những loại trái cây quá ngọt và khó tiêu, trong đó có mít.
- Người dễ đầy bụng, khó tiêu: Tình trạng đầy bụng, khó tiêu sẽ càng trầm trọng hơn nếu bạn ăn mít, nhất là mít dai.
Những lưu ý khi ăn mít:
- Không ăn nhiều mít cùng lúc: Mỗi lần ăn mít, bạn chỉ nên ăn từ 80-100g mít, tương đương 4-5 múi. Việc ăn quá nhiều mít cùng một lúc sẽ làm lượng đường trong máu cao, dẫn đến tình trạng nóng gan, ảnh hưởng đến thận.
- Ăn đúng thời điểm: Nhiều người vẫn có thói quen ăn uống không khoa học, tuy nhiên với mít, các chuyên gia khuyên rằng bạn chỉ nên ăn mít sau 1-2 giờ sau bữa ăn chính. Không được ăn lúc bụng đói, sẽ khiến cơ thể dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Và đặc biệt, không nên ăn vào chiều tối vì sẽ gây ra cảm giác khó chịu vào ban đêm do hàm lượng chất xơ trong mít khá cao.
- Nên ăn mít kèm với hoa quả khác: Ăn mít kèm hoa quả khác sẽ cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể cân bằng được lượng chất hấp thụ vào cơ thể.