Mặc dù không đồng thuận với nhau về một số vấn đề, như cách tốt nhất để giải quyết cuộc nội chiến Ukraine và xung đột ở Syria, song Tổng thống Mỹ Barack Obama xem nhà lãnh đạo Nga như một đối tác luôn sẵn sàng làm việc lãnh đạo Mỹ để giải quyết những thách thức lớn.
"Sự thật là, trong tất cả các cuộc họp của chúng tôi, Putin luôn là người cẩn trọng, lịch sự và rất thẳng thắn. Những cuộc hội đàm của chúng tôi luôn diễn ra rất chuyên nghiệp, bài bản. Putin không bao giờ bắt tôi phải chờ 2 tiếng như cách ông ấy làm với những người khác", Tổng thống Obama nói với tờ The Atlantic.
Trái với suy nghĩ của nhiều người Mỹ, Putin thực sự rất xem trọng mối quan hệ song phương Nga - Mỹ, ông Obama nói thêm.
Tổng thống Obama nhận định rằng ông Putin luôn là người cẩn trọng, lịch sự và rất thẳng thắn. Ảnh: Sputnik |
"Putin rất quan tâm đến việc được xem là ngang hàng với Mỹ khi làm việc với chúng tôi bởi vì ông ấy hoàn toàn không khờ khạo chút nào. Ông ấy hiểu rằng vị thế tổng thể của nước Nga trên thế giới đã giảm đi đáng kể", Tổng thống Mỹ nói.
Tổng thống Mỹ cũng nói rằng, hiện nay, ngoài hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Nga Putin đã không còn tham gia bất cứ chương trình nghị sự quan trọng nào mang tính quốc tế. Đây là tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Moscow sáp nhập Crimea, khiến quan hệ giữa Nga với phương Tây ngày càng lạnh nhạt.
Theo Sputnik, bình luận trên của ông Obama đã giúp xua tan quan niệm sai lầm rằng Nga không quan tâm đến việc hợp tác với Mỹ khi giải quyết những vấn đề toàn cầu. Sau tất cả, lịch sử gần đây đã chứng minh rằng quan điểm này không có chỗ đứng trong thực tế.
Nga từ lâu đã đấu tranh cho cách tiếp cận chung để giải quyết những thách thức toàn cầu trên cơ sở luật pháp quốc tế và bằng chứng rõ nhất là sự đóng góp của Moscow nhằm đạt được thỏa thuận toàn diện với Iran về chương trình hạt nhân, Hiệp định Paris về biến đổi khí haajuj hay các hoạt động chống khủng bố ở Syria.
Tại Syria, Moscow đang dẫn đầu một liên minh đa quốc gia để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và các nhóm khủng bố khác đang cố gắng buộc Tổng thống Syria al-Assad phải từ bỏ quyền lực và biến đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này thành một đế chế Hồi giáo cực đoan.
Cuối tháng 2/2016, Moscow và Washington đã đạt được thành công bước đầu trong hợp tác giữa hai nước khi đạt thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở Syria, mở đường cho tiến trình hòa bình, ổn định ở quốc gia Trung Đông này.
Lê Huyền (Sputnik)