Tin mới

Phá nhóm khủng bố Tân Cương, Trung Quốc đang "đổ thêm dầu vào lửa"

Thứ ba, 27/05/2014, 11:33 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Theo nhận định của các chuyên gia, chính sách đàn áp khủng bố thẳng tay đối với các nhóm khủng bố của Bắc Kinh được cho là khó đạt hiệu quả, thậm chí còn có thể mang lại những phản ứng ngược chiều.

(Tinmoi.vn) Theo nhận định của các chuyên gia, Chính sách đàn áp khủng bố thẳng tay đối với các nhóm khủng bố của Bắc Kinh được cho là khó đạt hiệu quả, thậm chí còn có thể mang lại những phản ứng ngược chiều.

 

Hôm 26/5, Trung Quốc tuyên bố đã phá 23 nhóm khủng bố thuộc các tỉnh Hotan, Kashgar và Aksu với phần lớn dân số là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, bắt giữ hơn 200 nghi phạm, thể hiện sự hành động kiên quyết theo đúng cam kết trừng trị thẳng tay dù cho các vụ tấn công đẫm máu gần đây đang làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của chính sách thép đó.

Sau vụ tấn công đẫm máu tuần trước tại một khu chợ mở gần Công viên Renmin ở TP Urumqi, thủ phủ Tân Cương khiến 43 người thiệt mạng, Bắc Kinh tiếp tục quyết liệt thắt chặt an ninh tại khu tự trị bất ổn này với hàng loạt cảnh sát, binh lính quanh thành phố. 

Trước những vụ tấn công xảy ra ngày càng nhiều, người dân ở Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích một cách công khai những tội ác này. Họ muốn hòa bình và yên ổn cuộc sống, nhiều người yêu cầu chính phủ thực hiện các biện pháp kiên quyết để đối phó với những vụ tấn công khủng bố này.

Phá nhóm khủng bố Tân Cương, Trung Quốc đang

Hiện trường một vụ tấn công tại quảng trường Thiên An Môn

Đáp lại, chính phủ Trung Quốc đã cho phép cảnh sát sử dụng súng và trong trường hợp cần thiết có thể nổ súng. Chính phủ cũng tăng cường đáng kể sự hiện diện của cảnh sát trong nhiều thành phố, đặc biệt là tại các bến xe buýt, tàu hỏa, sân bay, quảng trường, trường học và những điểm công cộng khác thường là mục tiêu của những vụ tấn công như vậy.

Hôm 23-5, nhà chức trách Trung Quốc mở chiến dịch chống khủng bố được chính phủ phê duyệt sẽ kéo dài tới tháng 6/2015, trong đó Tân Cương là chiến trường trọng yếu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chiến lược khó đạt hiệu quả dù có triển khai những chiến lược cứng rắn nhất, thậm chí còn có thể vấp phải phản ứng ngược.

Nhà bình luận quân sự Zhao Chu tại Thượng Hải nhận định: “Từ những vụ tấn công vừa qua có thể thấy những kẻ tấn công có khả năng nhằm vào bất cứ đâu với nhiều lựa chọn về phương pháp và thời điểm. Chiến dịch chống khủng bố (của Bắc Kinh) không hơn gì một chiến dịch kiểm soát xã hội vốn đã quá chặt chẽ. Tôi nghi ngờ chính sách đó chỉ đổ thêm dầu vào lửa”.  Ông cho rằng khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc sẽ sớm giống như Chechnya của Nga.

Ahmed A.S. Hashim, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng giới chức Trung Quốc đã huy động “nguồn lực khổng lồ” nhằm nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công ở Tân Cương nhưng nhiều đơn vị trong số đó không thích hợp và hành động không đúng mực.

Phá nhóm khủng bố Tân Cương, Trung Quốc đang

Theo nhiều chuyên gia, chính sách thép của Trung Quốc có thể mang lại những hiệu quả ngược chiều

“Bắc Kinh càng cứng rắn sẽ càng khiến các phần tử khủng bố thêm sục sôi lòng hận thù, hơn thế các phần tử khủng bố Duy Ngô Nhĩ càng có cơ hội nhận sự trợ giúp từ bên ngoài, đặc biệt là Trung Á” – ông Hashim nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia Li Wei (Trung Quốc) lại cho rằng Bắc Kinh phải mở rộng các biện pháp chống khủng bố ra khắp cả nước vì các cuộc tấn công trước kia chỉ dừng lại ở Tân Cương nay đang xuất hiện ở những khu vực khác. Song nhà bình luận quân sự Zhao lại tỏ ra thiếu lạc quan với chiến dịch trấn áp quy mô lớn đó. Ông nói rằng lực lượng an ninh sẽ thất bại vì chiến dịch trấn áp chỉ nhằm mục đích đàn án chính trị và bất đồng xã hội thay vì đe dọa khủng bố. Ông Zhao cũng cảnh báo hành động kiềm chế thảo luận về chủ nghĩa khủng bố và vấn đề sắc tộc ở Trung Quốc. “Nếu kiềm chế dư luận, xã hội sẽ không bao giờ có thể đối mặt toàn diện với đe dọa khủng bố”.

Khi cuộc chiến ở Afghanistan đang “hạ nhiệt” thì các vụ tấn công khủng bố ở Trung Quốc lại có chiều hướng gia tăng. Chúng bắt nguồn từ Khu tự trị Tân Cương, giáp ranh với Afghanistan và do những phần tử cực đoan của nhóm người thiểu số Hồi giáo Uyghur  thực hiện. Mâu thuẫn giữa người Ngô Duy Nhĩ với người Hán là nguyên nhân chính của những vụ bạo lực ở Tân Cương. 

Đối mặt với mối đe dọa tiềm ẩn của các cuộc tấn công khủng bố, Trung Quốc sẽ cần tăng cường các cơ quan thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân. Trung Quốc cũng cần tăng cường hoạt động hợp tác khu vực và quốc tế để giải quyết một cách hiệu quả với bất kỳ cuộc nổi dậy tấn công khủng bố ở Afghanistan trong những năm sắp tới.

 

Yên Yên (TH)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news