Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc do Jack Ma đồng sáng lập đã sụt giảm cổ phiếu tới 9,4% vào ngày 3/5 sau khi truyền thông đưa tin một người đàn ông họ Ma tại công ty ở Hàng Châu bị cảnh sát bắt. Điều đáng nói, Alibaba có trụ sở tại Hàng Châu.
Theo CCTV, nghi phạm đã bị "cưỡng chế" vào ngày 25/4 vì bị tình nghi "thông đồng với các thế lực thù địch chống Trung Quốc ở nước ngoài" để "kích động ly khai" và "kích động lật đổ quyền lực nhà nước".
Thông tin này nhanh chóng được các nền tảng tin tức khác của Trung Quốc dẫn đăng, gây ra tình trạng bán tháo cổ phiếu hoảng loạn ở Hong Kong, khiến Alibaba mất 26 tỷ USD giá thị trường chỉ trong vài phút.
Trong bối cảnh nhộn nhạo, Hu Xijin, cựu TBT Hoàn cầu Thời báo đã vội thanh minh trên Weibo rằng thông tin đã gây hiểu lầm bởi tên của nghi phạm được đề cập có tới 3 ký tự trong khi tên của Jack Ma trong tiếng Trung là Mã Vân, chỉ có 2 ký tự. CCTV sau đó đã lặng lẽ cập nhật thông tin để khớp với đánh giá của ông Hu.
Để xóa tan lo ngại, Hoàn cầu Thời báo còn đưa tin người đàn ông bị cáo buộc sinh năm 1985 tại Ôn Châu (trong khi Jack Ma sinh năm 1964 tại Hàng Châu) và là giám đốc phát triển, nghiên cứu phần cứng tại một công ty CNTT.
Nhờ việc làm rõ thông tin này mà Alibaba đã phục hồi được các khoản lỗ của mình vào cuối ngày. Phản ứng của thị trường là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà đầu tư nhát gan vượt qua lĩnh vực công nghệ đầy khó khăn của Trung Quốc như thế nào. Lĩnh vực này vốn là mục tiêu đàn áp mạnh tay của chính phủ kể từ cuối năm 2020.
Jack Ma đã vắng bóng kể từ khi IPO của Ant Group tại Mỹ bị các cơ quan quản lý tạm dừng vào cuối năm 2020. Từng là một trong những nhân vật trực tính nhất Trung Quốc, ông đã không đăng bất cứ thứ gì lên tài khoản Weibo gần 25 triệu người theo dõi kể từ tháng 10/2020.
Trong bài đăng Weibo cuối cùng, Jack Ma nói về cuộc gặp gỡ của mình với khoảng 100 hiệu trưởng trường học để thảo luận về tương lai giáo dục Trung Quốc và nó tràn ngập những bình luận chỉ trích. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó lão Ma bị bỏ tù", một top comment viết. "Ông chỉ là một tên tư bản. Đừng giả làm người tốt", một người khác bình luận.
Đến nay, Jack Ma vẫn giữ im lặng sau tin đồn bị bắt giam. Hashtag về việc giam giữ nghi phạm họ Ma là chủ đề thịnh hành nhất Weibo, thu hút hàng trăm triệu lượt xem.
Zhang Feng, một nhà bình luận Trung Quốc đã viết trên WeChat về vụ việc này: "Ông ấy chỉ có sự im lặng, đó là 'cách tồn tại đặc biệt'. Sự im lặng này có ý nghĩa sâu sắc. Đối với một nhân vật công chúng, bản thân bài phát biểu của ông ta là mở rộng sự tồn tại. Khi một người không còn lên tiếng thì dù còn sống, còn làm việc, nó cũng giống như đã "biến mất".
(Theo CNN)
>> Xem thêm: Số phận Jack Ma treo lơ lửng sau động thái của truyền thông Trung Quốc