Trung Quốc ngày càng lo ngại về những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đặcbiệt là khi có tin rằng Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc liên lạc với Triều Tiên vì kênh cấp cao song phương đã bị gián đoạn.
Yonhap dẫn các nguồn tin ngoại giao giấu tên từ Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc liên lạc với Triều Tiên vì kênh cấp cao song phương đã bị gián đoạn.
"Dường như thông tin liên lạc (giữa hai bên) không suôn sẻ là sự thật. Triều Tiên và Trung Quốc từ lâu đã không có hoạt động trao đổi quan chức cấp cao có ý nghĩa. Chưa có thông tin họ đã nối lại hoạt động này", nguồn tin cho hay.
Nguồn tin còn tiết lộ nhiều quan chức cấp cao ở Bắc Kinh bày tỏ lo ngại về quan hệ với Triều Tiên và nỗ lực của Trung Quốc thuyết phục láng giềng từ bỏ chương trình hạt nhân - tên lửa không đạt hiệu quả cao.
Nguồn tin còn chỉ ra rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp nhanh và cảnh báo người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho về các hảnh động khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng tại diễn đàn ASEAN ở Manila, Philippines, hồi đầu tháng 8.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho. Ảnh: Reuters/AP |
Những thông tin này mặc dù chưa được chính thức xác nhận song phù hợp với phát biểu của đại tá Chu Ba, Giám đốc Trung tâm hợp tác an ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, rằng quân đội nước này "không có mối liên lạc nào với quân đội CHDCND Triều Tiên".
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, tại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện những cuộc thảo luận trong giới học giả cấp cao về nhu cầu phải chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất".
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời Giáo sư Giả Khánh Quốc tại Đại học Bắc Kinh kêu gọi cần nhanh chóng lập kế hoạch để xử lý 4 vấn đề lớn trong trường hợp bùng nổ xung đột là kho hạt nhân Triều Tiên, dòng người tị nạn, khôi phục hòa bình và dàn xếp chính trị hậu khủng hoảng.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Thành Hiểu Hà thuộc Đại học Nhân dân thì lạc quan hơn khi cho rằng, chừng nào quốc tế chưa áp đặt biện pháp trừng phạt cuối cùng là cấm vận dầu mỏ hoàn toàn nhằm vào Bình Nhưỡng thì tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Cùng quan điểm, chuyên gia Lục Siêu tại Học viện Khoa học xã hội Liêu Ninh cũng nhận định còn quá sớm để bàn về vấn đề này.
"Tiền đề của việc lập kế hoạch khẩn cấp là nguy cơ chính quyền Triều Tiên sụp đổ, nhưng cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu nào", ông Lưu nhấn mạnh.
Trung Quốc là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh phản đối Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân. Trung Quốc tuyên bố đang thực hiện mọi nỗ lực có thể để ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí nhưng hiệu quả của chúng còn hạn chế.
Lê Huyền (tổng hợp)