Cho đến bây giờ người ta vẫn không biết chắc điều gì đã xảy ra với chiếc tàu ngầm tuần dương kỳ dị được cho là đã chở theo rất nhiều vàng của Pháp trong Thế chiến II.
Surcouf là tên một chiếc tàu ngầm của Hải quân Pháp được thiết kế, chế tạo với hình dạng kỳ lạ để vừa có thể di chuyển trên mặt nước như một chiến hạm nổi thông thường, vừa có thể hoạt động dưới lòng biển như một chiếc tàu ngầm.
Tàu ngầm Surcouf |
Sự ra đời của chiếc tàu ngầm kỳ dị
Tàu ngầm Surcouf được chế tạo vào tháng 12/1927, hoàn thành và hạ thuỷ vào ngày 18/10/1929. Từ tháng 3 năm 1934, tàu ngầm tuần dương Surcouf chính thức được biên chế cho Hải quân Pháp sau nhiều năm thử nghiệm.
Tàu ngầm Surcouf được đặt theo tên của một thuỷ thủ người Pháp có tên Robert Surcouf. Tính đến trước thời điểm năm 1943 khi Hải quân Nhật Bản bắt đầu chế tạo được tàu ngầm 1400 tấn thì tuần dương hạm ngầm Surcouf vẫn giữ được kỷ lục là chiến hạm ngầm lớn nhất thế giới.
Sự nghiệp của tàu ngầm Surcouf trong Hải quân Pháp đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, đặc biệt là những nguyên nhân và thủ phạm khiến nó bị đắm trong những năm về sau – Theo thông tin tư liệu từ trang Lịch sử chiến tranh ở Mỹ.
Theo dòng thời gian, chẳng mấy chốc sau khi tàu ngầm Surcouf của Hải quân Pháp được hạ thuỷ, Hiệp ước Hải quân London ra đời cùng với những quy định về những giới hạn trong thiết kế và trang bị vũ khí trên các loại tàu ngầm hải quân.
Pháp là một trong những quốc gia cùng Vương Quốc Anh ký kết Hiệp ước Hải quân London. Theo đó, mỗi bên tham gia đều không được sở hữu quá 3 tàu ngầm cỡ lớn, lượng giãn nước theo chiều dài tàu không vượt quá 2800 tấn, súng trang bị cho tàu không vượt quá cỡ nòng 6.1 inch.
Đối chiếu với những quy định này, tàu ngầm Surcouf đều vượt quá các giới hạn. Kể từ đó, các tàu ngầm cỡ lớn nằm trong kế hoạch phát triển hải quân của Pháp khi ấy đều phải dừng lại và huỷ bỏ. Không có chiếc tàu ngầm cỡ lớn nào như Surcouf được Paris chế tạo nữa.
Biến cố bất ngờ
Tàu ngầm Surcouf với hai khẩu pháo hạm trên nóc |
Đầu năm 1940, khi tàu ngầm Surcouf đang neo đậu tại căn cứ ở Manche, thuộc Basse-Normandie của nước Pháp (khi đó quân đội Đức Quốc xã đang xâm chiếm Pháp) để tiến hành tu sửa, bảo dưỡng do tàu chỉ còn 1 động cơ duy nhất còn hoạt động xuất phát từ hệ thống chân vịt bị hư hỏng.
Mặc dù chỉ còn 1 động cơ duy nhất và hệ thống động lực còn đang chưa được hoàn hảo, tàu ngầm Surcouf cũng buộc phải di chuyển qua kênh đào Anh để lánh nạn ở Plymouth với hy vọng không bị quân Đức bắn phá, tiêu diệt.
Đến ngày 3/7 cùng năm, chính quyền Anh lên tiếng quan ngại rằng tàu của Hải quân Pháp neo đậu ở cảng của Anh có thể bị quân của Đức nhòm ngó nên các chiến hạm của Pháp neo đậu ở các cảng biển của Anh và Canada đều phải có lính canh có vũ trang bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, một biến cố hy hữu đã xảy ra trên chiếc tàu ngầm kỳ dị Surcouf của Pháp khi hai sỹ quan của Hải quân Hoàng gia Anh cùng 1 sỹ quan của Pháp bị bắn trọng thương trong khi đó 1 thuỷ thủ của Anh có tên LS Webb bất ngờ bị 1 bác sỹ phục vụ trên tàu Surcouf bắn chết.
Sự cố này cùng những căng thẳng leo thang giữa Anh và Pháp đã xuất hiện khi London quyết tâm đưa các thuỷ thủ pháp phạm tội giết người trả lại cho Paris trên một tàu hậu cần. Tuy nhiên, khi chiếc tàu quân y của Hải quân Anh đưa những thuỷ thủ Pháp về nước thì nó bị quân Đức Quốc xã bắn chìm.
Rất nhiều người Pháp khi ấy đã đổ lỗi cho người Anh gây nên cái chết cho công dân nước họ.
Thực hiện nhiều nhiệm vụ
Đến tháng 8 năm 1940, Anh đã hoàn thành việc sửa chữa cho chiếc tàu ngầm Surcouf và tiến hành bàn giao cho quân đội Pháp để họ tiếp tục các chiến dịch tuần tra.
Trong số những sỹ quan của Hải quân Pháp không bị kết tội và đưa về pháp có Georges Louis Blaison – người sau đó đã được trao quyền thuyền trưởng chỉ huy chiến hạm ngầm tuần dương Surcouf.
Chính vì các mâu thuẫn liên quan đến vụ bắn giết trên tàu ngầm Surcouf mà Anh và Pháp bắt đầu nghi kỵ nhau. Thậm chí, Pháo đã cáo buộc Anh tiến hành các chiến dịch do thám nước này trong khi đó phía Anh tuyên bố tàu ngầm Surcouf (chính xác là các thuỷ thủ trên con tàu này) đã tấn công các tàu chiến của Anh.
Sau khi giàn xếp, một sỹ quan Anh và 2 thuỷ thủ khác của London được bố trí trên tàu Surcouf làm nhiệm vụ liên lạc viên.
Trong khi đó, bản thân tàu ngầm Surcouf muốn hoạt động được cần từ 110 đến 130 thủ thuỷ, gấp 3 lần số binh sỹ cần có cho một tàu ngầm thông thường thời kỳ đó.
Tàu ngầm Surcouf của Hải quân Pháp sau đó đã khởi hành hướng đến một căn cứ của quân đội Canada ở Halifax, Nova Scotia và sau đó thực hiện nhiệm vụ hộ tống các chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương.
Vào tháng 4 năm 1941, tàu ngầm Surcouf bị một máy bay của quân Đức tấn công và bị hư hỏng nặm tại Devonport.
Ngày 28/7/1941, tàu ngầm Surcouf di chuyển đến xưởng đóng tàu của Hải quân Mỹ ở Portsmouth, New Hampshire để tiến hành sửa chữa trong 3 tháng. Khi đó, Mỹ được xem là nước đã vi phạm tuyên bố trung lập trong quan hệ đương thời giữa Hoa Kỳ và 2 thế lực chính quyền Pháp khi đó.
Sau khi rời Portsmouth, New Hampshire, tàu ngầm Surcouf đã khởi hành đến New London, bang Connecticut để tiến hành kế hoạch huấn luyện bổ sung cho tất cả các thành viên của thuỷ thủ đoàn.
Sau khi hoàn thành khoá huấn luyện này, tàu ngầm Surcouf rời New London, bang Connecticut để quay trở lại căn cứ ở Halifax, Canada.
Số phận bi thảm, không rõ bị tai nạn hay bị bắn nhầm
Đến tháng 1 năm 1942, nước Pháp Tự Do đã quyết định điều tàu ngầm Surcouf đến Thái Bình Dương tham chiến.
Sau khi được tiếp tế ở khu vực Bermuda, chiếc tàu ngầm này bị đồn là đang chuẩn bị cho các chiến dịch giải phóng vùng Martinique khỏi sự thống trị của thế lực Chính phủ Vichy (do Thống chế Philippe Pétain đứng đầu) mâu thuẫn với Pháp Tự Do (do Tướng lưu vong Charles de Gaulle lãnh đạo).
Sau khi nổ ra chiến tranh với quân đội Nhật Bản, tàu ngầm Surcouf được lệnh di chuyển đến Sydney, Australia qua ngả Tahiti. Surcouf bắt đầu khởi hành từ Halifax vào ngày 2/2/1942 và đã đến Bermuda vào ngày 12/2 để tiếp tế, chuẩn bị khởi hành đến kênh đào Panama.
Tuy nhiên, số phận của Surcouf đã chấm dứt vào ngày 18/2/1942 khi nó được cho là bị đâm chìm khi đang di chuyển cách phía Bắc vùng Cristóbal, Colón khoảng 80 dặm trong lộ trunhf đến Tahiti qua kênh đào Panama.
Một chiếc tàu chở hàng chuyên dụng của Mỹ có tên Thompson Lykes được cho là đã xuất hiện ở Vịnh Guantanamo vào buổi tối mà tàu ngầm Surcouf bị đâm chìm. Tàu Thompson Lykes được cho là đã đâm phải một vật thể lạ nửa nổi, nửa chìm chạy cùng chiều với nó.
Các báo cáo thời kỳ đó cho biết tàu Thompson Lykes biết có tàu bị chìm và có người đang cố gắng kêu cứu nhưng nó đã không dừng lại để cứu vì đang thực hiện lộ trình theo kế hoạch và không thể dừng lại.
Có báo cáo nói rằng thuỷ thủ điều khiển tàu Thompson Lykes đã tưởng rằng họ đã đâm trúng một tàu ngầm chữ U của Đức Quốc xã bất chấp có những tiếng kêu cứu thảm thiết bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, tàu Thompson Lykes đã gửi tín hiệu mô tả lại sự việc tới những nhà điều hành ở Panama. Vụ mất tích tàu ngầm Surcouf sau đó chính thức được công bố trong ngày 18/4/1942 tại London.
Tranh cãi về nguyên nhân tai nạn
Những điều tra về vụ tai nạn sau đó đã khiến phát sinh rất nhiều mâu thuẫn và giả thuyết khác nhau. Một công bố của phía Pháp cho rằng tàu ngầm đã bị đắm do bị đâm hoặc bắn nhầm bởi chính chiếc tàu chở hàng Thompson Lykes của Mỹ.
Giả thuyết này đã nhận được sự ủng hộ của Chuẩn đô đốc Pháp Auphan trong cuốn sách tư liệu mang tên Hải quân Pháp trong Thế chiến II. Trong cuốn sách này, Chuẩn đô đốc Pháp Auphan cho rằng tàu ngầm Surcouf bị tàu vận tải đâm trúng trên biển Caribbean.
Trong khi đó, Tướng Charles de Gaulle tuyên bố tàu ngầm Surcouf bị đâm chìm bởi “tất cả các bàn tay”.
Không chỉ có vậy, có giả thuyết còn cho tằng chiếc tàu ngầm kỳ dị của Hải quân Pháp đã bị Tam Giác Bermuda nuốt chửng.
Trong khi đó, một giả thuyết khác được biết đến nhiều nhất là tàu ngầm Surcouf bị quân Mỹ phát hiện khi đang tiếp liệu cho một tàu ngầm chữ U của Đức Quốc xã gần đảo “Long Island Sound” và cả hai tàu này bị các tàu ngầm Mỹ USS Mackerel và Marlin bắn chìm do tưởng nhầm là tàu của quân đội Hitler.
Có giả thuyết khác kém thuyết phục hơn là tàu ngầm Surcouf bị tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tấn công nhầm.
Trong một bản tài liệu ghi nhớ do Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) khi đó là J. Edgar Hoover gửi cho Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ đề ngày 12/3/1942, trong đó trích dẫn một nguồn tin đáng tin cậy nói rằng tàu ngầm Surcouf đã bị chìm gần đảo St. Pierre ở Newfounfland (nay là một thành phố ở Martinique).
Nguồn tin được FBI trích dẫn được cho là từ William Stephenson – người đứng đầu cơ quan tình báo phản gián của Anh ở khu vực Bắc Mỹ, nhân vật chính trong cuốn sách chuyên ngành tình báo có tên “A Man Called Intrepid”.
Tàu ngầm Surcouf có mang theo vàng?
Sau khi tàu ngầm Surcouf bị đắm ở Caribbean cũng xuất hiện nhiều câu chuyện cho rằng chiếc tàu ngầm của Hải quân Pháp đã mang theo rất nhiều vàng của Cục ngân khố Pháp và những tài sản này được giấu trong một ngăn chở hàng đặc biệt trên tàu ngầm Surcouf.
Năm 1967, Jacques Cousteau – một nhà thám hiểm, cựu sỹ quan hải quân Pháp được cho là đã phát hiện và tìm thấy một mảng vỡ của tàu ngầm Surcouf, thậm chí còn cho thiết bị lặn vào sâu trong thân tàu.
Sự việc này được một thuyền trưởng có tên Grigore thông tin với dư luận sau khi ông viết thư đề nghị nhà thám hiểm Jacques Cousteau cho thiết bị của mình đi tìm kiếm tàu ngầm Surcouf.
Tuy nhiên, ông Jacques Cousteau đã từ chối và nói rằng độ sâu và vị trí dự kiến của tàu Surcouf quá lớn và thiết bị của ông không thể vươn tới được.
Trước đó, vào năm 1965, cũng có thông tin nói rằng một thợ lặn nghiệp dư Lee Prettyman – chủ nhiệm câu lạc bộ lặn the Gillmen Dive Club of Groton, ở bang Connecticut đã tìm thấy 1 mảnh vỡ của tàu ngầm Surcouf gần đảo Long Island Sound.
Phát hiện của Lee Prettyman cũng được đăng tải trên báo chí lúc bấy giờ, đặc biệt là ấn bản ra tháng 2 năm 1967 của tạp chí Argosy. Tuy nhiên, số báo này sau đó đã bị huỷ bỏ vì đã nhận được nhiều lời đe doạ bí ẩn.
* Bài viết có tham khảo tư liệu tiếng Anh về tàu ngầm Surcouf của trang Lịch Sử Chiến Tranh.
Hoà Bình