Tin mới

Tham vọng thực sự của Tập Cận Bình khi cải tổ quân đội Trung Quốc (P1)

Thứ tư, 31/08/2016, 16:57 (GMT+7)

Ngay khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành hàng loạt động thái để cải tổ quân đội. Tham vọng thực sự của ông là gì?

Ngay khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành hàng loạt động thái để cải tổ quân đội. Tham vọng thực sự của ông là gì?

Quân đội Trung Quốc như được thay máu dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: National Interest

Ngày 31/12/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm lễ ra mắt Lực lượng tên lửa PLA (PLARF) và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (PLASSF) như những chi nhánh mới của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Động thái này cho thấy khởi đầu cho sự cải cách và cải tổ của PLA, vốn được đưa ra tại Hội nghị lần thứ ba của Ủy ban Trung ương thứ 18 vào tháng 11/2013.

Những gì diễn ra sau đó là sự tái cơ cấu quan trọng nhất của PLA kể từ khi tổ chức này được mô hình hóa dựa trên lực lượng quân đội Liên Xô trong những năm 1950. Cho đến nay, phần lớn các phân tích về việc cải tổ này tập trung vào những cuộc thanh trừng của ông Tập và sự củng cố sức mạnh PLA dưới sự kiểm soát và giám sát của Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP) cũng như Ủy ban Quân sự Trung ương (CMC). Tuy nhiên, quan điểm đó chỉ đưa ra lời giải thích một phần cho những cải cách đang diễn ra. Việc cải tổ này là một phần của quá trình phát triển cấu trúc lực lượng và tư duy chiến lược quân sự kéo dài nhiều thập kỷ chứ không đơn giản chỉ là một trò chơi quyền lực của ông Tập.

Có nhiều lý do giải thích cho việc cải tổ PLA được so sánh với Đạo luật Goldwater-Nichols năm 1986, mà đã cấu hình lại Bộ Quốc phòng Mỹ và làm rõ chuỗi chỉ huy để thực hiện hiệu quả các hoạt động chung sử dụng tất cả các nhánh quân. Những cải cách của PLA hiện nay bắt nguồn từ phản ứng của PLA đối với những hiệu quả của quân đội Mỹ trong Chiến dịch Bão táp sa mạc (Operation Desert Storm) - đây là thành công có thể do các  cải cách Goldwater-Nichols mang lại. Vào năm 1991, với kết quả trước mắt của "Bão táp Sa mạc", Colin Powell tuyên bố: "Các bạn sẽ thấy trong Bão táp Sa mạc, không ai cáo buộc chúng ta thông đồng và phục vụ chủ nghĩa địa phương cả, Lục quân chiến đấu cùng Không quân, Hải quân chiến đấu cùng Thủy quân lục chiến. Chúng ta là một đội. Luật Goldwater-Nichols đã giúp chúng ta có được điều đó".

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc có bước đi quan trọng đầu tiên, hướng tới cải tổ chiến lược trong năm 1993. Khi đó, ông Giang Trạch Dân tuyên bố chiến lược PLA mới phải tập trung vào "chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ có thể xảy ra dưới điều kiện công nghệ cao đặc biệt". Về cơ bản, điều này bao gồm các khả năng và chiến lược đã giúp Mỹ nhanh chóng chiến thắng trong Chiến tranh vùng Vịnh: những vũ khí dẫn đường chính xác, ưu thế thông tin, C4ISR ( hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát) từ không gian, trên không và mặt đất; cùng với các chiến dịch điều phối chung.

Mặc dù Trung Quốc không công khai tập trung vào các khái niệm này cho tới khi nó được đưa ra trong sách trắng Quốc phòng năm 2004 - theo thời gian chúng được đặt tên lại là "thông tin hóa" hoặc chiến tranh "thông tin hóa" - PLA đã tập trung vào việc phát triển lực lượng chiến đấu để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thông tin từ năm 1993. Trọng tâm chiến lược này được chứng minh bằng sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu lực lượng, việc mua sắm vũ khí cũng như phát triển chiến lược.

Thông báo cắt giảm 300.000 binh sĩ trong Lục quân PLA (PLAA) của Chủ tịch Tập Cận Bình đánh dấu sự cắt giảm nhân sự lớn lần thứ 3 kể từ năm 1997, tổng số quân bị cắt giảm là 1.000.000 người. PLA cũng đã chuyển trọng tâm từ bộ binh chiếm ưu thế trong truyền thống, hướng tới tăng cường cho Hải quân (PLAN) và Không quân (PLAAF). Cả 2 lực lượng này đều được coi là rất quan trọng cho chiến tranh thông tin hóa.

Hơn nữa, việc sáng lập Lực lượng tên lửa PLA (PLARF) vào tháng 12/2015 tạo ra một nhánh quân đầy đủ và sự ra đời của Lực lượng Hỗ trợ chiến lược (PLASSF) - đội quân tậ trung vào không gian và mạng - cũng cho thấy những ưu tiên chiến lược của PLA đã chuyển sang chiến tranh chung dựa trên thông tin và nhấn mạnh vào công nghệ trong khi vẫn có thể chống lại toàn bộ các cuộc xung đột từ đột xuất cho tới chiến tranh chiến lược.

Những nỗ lực mua sắm và phát triển các loại vũ khí của PLA cũng tập trung vào phát triển khả năng thực hiện các chiến lược chiến tranh thông tin như "Chống tiếp cận/chống xâm nhập" (A2/AD). Vào giữa những năm 1990, toàn bộ lực lượng tên lửa thông thường của Trung Quốc có khoảng 50 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) và chỉ có khả năng bắn tới Đài Loan. Giờ đây, PLA đã có tới 1.200 SRBM, những tên lửa đạn đạo chống tàu đầu tiên trên thế giới (ASBM), hàng loạt các tên lửa hành trình phóng từ biển, mặt đất và trên không và các hệ thống phòng không mạnh mẽ. Điều này đã mở rộng phạm vi lực lượng thông thường của Trung Quốc sang phủ khắp toàn bộ chuỗi đảo thứ nhất và có khả năng cả một bộ phận của chuỗi đảo thứ hai. Ngoài ra, khả năng không gian của Trung Quốc đã tăng từ 10 vệ tinh năm 2000 lên 181 vệ tinh năm 2016.

Tuy nhiên, việc viết các kế hoạch chiến lược và chi tiền mua vũ khí dễ hơn rất nhiều so với tổ chức lại và chỉ đạo nhân lực của quân đội sao cho đúng. Về vấn đề này, Trung Quốc có 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, Trung Quốc chưa bao giờ chiến đấu trong một cuộc chiến hiện đại và không có nhiều người được đào tạo tinh vi đảm bảo thực hiện thành công trên chiến trường. Thứ hai, PLA trước khi cải tổ được trang bị cực kỳ yếu kém để chỉ đạo được lực lượng trong một cuộc chiến tranh thông tin - cuộc chiến đòi hỏi sự phối hợp giữa các lực lượng.

(Còn nữa)

Bảo Linh (National Interest)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news