Cơn khát chip toàn cầu không chỉ phủ bóng lên ngành công nghiệp mà còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực, như ôtô, giải trí và thậm chí cả ngành y tế. Nguyên nhân chủ yếu tới từ dịch bệnh hoành hành, cùng với đó là các biện pháp cấm vận kinh tế giữa các ông lớn trên thế giới. Tình trạng thiếu hụt trầm trọng đã kéo dài trong nhiều tháng qua, đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan.
Ngành sản xuất ô tô, vốn là nạn nhân đầu tiên của tình trạng thiếu chip toàn cầu. Cụ thể tại Mỹ, NXP Semiconductors và Infineon Technologies, cả hai đều sản xuất chip cho ngành công nghiệp ô tô cũng đã đóng cửa các nhà máy ở Austin. Mặc dù NXP đã tiếp tục hoạt động trở lại nhưng việc ngừng hoạt động đã dẫn đến việc mất nguồn cung cấp trong một tháng. Hậu quả từ việc cắt giảm chip ô tô đó cũng dẫn đến việc Tesla và Honda ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ và Canada.
Việc cắt giảm sản lượng hàng điện tử tiêu dùng cũng đã gây ra những ảnh hưởng sau cơn bão. Chỉ riêng việc đóng cửa nhà máy tại Austin của Samsung đã tạo ra một hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại thông minh và PC.
Sự thiếu hụt chip của Samsung ảnh hưởng nhiều nhất đến việc sản xuất điện thoại thông minh Android. Ông Koh Dong-jin, đồng giám đốc điều hành bộ phận di động của Samsung cho biết: “Có sự mất cân bằng nghiêm trọng về cung và cầu chip trong lĩnh vực CNTT trên toàn cầu.” Hiện phía Samsung đang hợp lý hóa dòng sản phẩm Smartphone của mình và thiệt hại gần nhất của những hạn chế về nguồn cung có thể là dòng Galaxy Note 2021.
Ngành công nghiệp máy tính, lĩnh vực không thể sống mà thiếu đi nguồn cung từ việc sản xuất con chip cũng đã lâm vào tình cảnh tương tự. “Nguồn cung không thể theo kịp nhu cầu. Nhân viên của chúng tôi đang xảy ra những xáo trộn. Đây là điều chưa từng có trong ngành máy tính cá nhân” - Theo Jason Chen, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Acer.
Ban đầu, có những thông tin cho rằng Apple nói chung và iPhone nói riêng hoàn toàn khỏe mạnh, hoặc không mấy ảnh hưởng bởi đại nạn thiếu chip bởi tập đoàn này từ lâu đã tự phát triển con chip riêng cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, như đã đề cập, việc đóng cửa nhà máy Austin của Samsung đồng thời kéo theo iPhone chịu ảnh hưởng.
Nhà máy ở Texas này chuyên sản xuất chip cho Qualcomm. Một báo cáo mới cho hay, những con chip quan trọng đối với bộ điều khiển OLED cũng được sản xuất ở đó. Điều này đồng nghĩa dây chuyền sản xuất màn hình OLED bị trì trệ. Và đáng nói hơn, trước đó Apple đã ký hợp đồng mua công nghệ OLED với Samsung, từ đó dẫn đến việc cắt giảm sản lượng các sản phẩm sử dụng loại màn hình này.
Vào tháng 2 vừa qua, tân Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã ký một Sắc lệnh để giải quyết tình trạng thiếu chip. Sắc lệnh này yêu cầu thiết lập một cuộc đánh giá kéo dài 100 ngày về nguồn cung cấp chất bán dẫn và pin tiên tiến được sử dụng trong xe điện.
Một quốc gia có thể tự làm bom nguyên tử hay tên lửa, nhưng không thể sản xuất một con chip nếu tách mình khỏi chuỗi vận hành toàn cầu. Nếu các quốc gia không chung tay tìm phương hướng giải quyết vấn nạn này, thì rất có khả năng một loạt ngành sản xuất công nghệ sẽ khó tránh khỏi thất bại trong năm 2021.