Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 20/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng sau vụ đảo chính hôm 15/7.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra sau đảo chính. Ảnh: AP |
Hãng Reuters dẫn lời nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tình trạng khẩn cấp cho phép chính quyền truy quét tất cả những ai tình nghi có dính líu tới âm mưu đảo chính làm 265 người thiệt mạng hôm 15/7.
Phát biểu sau cuộc họp với các bộ trưởng nội các, ông Erdogan tuyên bố: “Với tư cách tổng tư lệnh, tôi cũng sẽ chú trọng tới việc này để tẩy sạch tất cả các con virus trong lực lượng võ trang". Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định việc ban bố tình trạng khẩn cấp phù hợp với các quy định của luật pháp và phù hợp với các quyền tự do cơ bản của công dân.
Điều 120 trong hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho phép áp đặt tình trạng khẩn cấp "vào thời điểm trật tự xã hội xấu đi nghiêm trọng do các hoạt động bạo lực".
Lường trước phản ứng quan ngại của Liên minh châu Âu EU về tình trạng khẩn cấp này, ông Erdogan đánh phủ đầu: “Châu Âu không có quyền chỉ trích quyết định này”.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt hơn 6.000 người bị cho là liên quan đến đảo chính, bao gồm 103 sĩ quan cấp tướng và đô đốc. Bộ Nội vụ nước này cũng sa thải gần 9.000 cảnh sát. 626 trường tư thục và các cơ sở giáo dục khác tại nước này cũng đã bị đóng cửa. Bộ Giáo dục đã sa thải 15.200 giáo viên trên toàn quốc trong khi Bộ Nội vụ đuổi việc gần 9.000 công chức. Bộ Tài chính cho thôi việc 1.500 người. Hàng trăm người khác làm việc trong Hội đồng quản trị tôn giáo sự vụ, Bộ Chính sách xã hội và gia đình, và Văn phòng Thủ tướng cũng bị đình chỉ công tác. Ban quản lý giáo dục bậc đại học yêu cầu 1.577 hiệu trưởng đại học phải từ chức.
Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đêm 15/7 nhằm chiếm quyền của Tổng thống Erdogan đã khiến 265 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt.
Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống ở Mỹ bị chính quyền Erdogan cáo buộc đứng sau vụ đảo chính. Tuy nhiên, ông Gulen đã phủ nhận cáo buộc này.
Bảo Linh (tổng hợp)