Tin mới

Thời kỳ mặn nồng Trung - Hàn đã kết thúc

Thứ ba, 23/08/2016, 17:42 (GMT+7)

Phản ứng của Trung Quốc đối với các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên trong năm nay đã chấm dứt thời kỳ mật ngọt của Bắc Kinh và Seoul. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia và được tờ SCMP của Hong Kong đăng tải.

Phản ứng của Trung Quốc đối với các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên trong năm nay đã chấm dứt thời kỳ mật ngọt của Bắc Kinh và Seoul. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia và được tờ SCMP của Hong Kong đăng tải.

Khi Bắc Kinh đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye bên lề cuộc họp rằng 2 nước là "những láng giềng tốt, đối tác tối sống cạnh nhau và cùng sát cánh bước đi".

Những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt 2 nhà lãnh đạo nhanh chóng được truyền thông Trung Quốc, Hàn Quốc nắm bắt và được xem như biểu tượng cho giai đoạn tốt đẹp nhất trong quan hệ song phương Bắc Kinh - Seoul.

Tuy nhiên, những nụ cười này có lẽ không còn tươi rói nữa khi ông Tập tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vào tháng tới.

Quan hệ đổ vỡ

Bước ngoặt diễn ra vào đầu tháng 7 này khi bà Park đồng ý cho triển khai hệ thống chống tên lửa uy lực của Mỹ trên đất Hàn Quốc.

Đối với Bắc Kinh, quyết định của bà Park đánh dấu một bước lùi cho những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc tại bán đảo Triều Tiên sau nhiều năm cố kéo Hàn Quốc khỏi vị trí đồng minh lâu năm của Mỹ và sử dụng tác dụng đòn bẩy tại Nhật, một đồng minh vững chắc khác của Mỹ.

Các nhà phân tích nói rằng quyết định của bà Park đã thay đổi tình hình địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên chỉ qua một đêm và đặt Bắc Kinh vào một cơn ác mộng chiến lược, biến bán đảo này từ một lá chắn thành một thanh giáo. Họ cho rằng Bắc Kinh hiện nay đang phải đối mặt với một chính quyền ngày càng khó lường tại Bình Nhưỡng và một liên minh Seoul - Washington ngày càng mạnh. Và những mối quan ngại càng gia tăng hồi đầu tháng này khi Seoul nói họ có thể sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo.

Các quan chức ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ cho các lợi ích của họ.

Không trực tiếp nhắc đến bà Park nhưng tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc - nói rằng việc đồng ý triển khai hệ thống Phòng thủ khu vực Tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là một phần trong "âm mưu chiến lược của Mỹ".

"Bà ấy biết được hướng đi thực sự của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Bà ấy không do dự về sự phá hoại ổn định khu vực và việc gây tổn hại đến lợi ích an ninh của các nước láng giềng một cách trắng trợn", tờ báo viết trong một bài xã luận.

Hôm 22/8, bà Park đã lên tiếng sau nhiều tuần chịu sự chỉ trích từ phía Bắc Kinh. Trong một phản ứng cứng rắn đối với chuyến thăm Bắc Kinh của 6 nhà lập pháp đối lập Hàn Quốc, bà nói rằng họ "cảm thông với Trung Quốc" và cáo buộc những người phản đối triển khai THAAD đang "đưa ra những lập luận vô lý đi đôi với Triều Tiên". Đảng Saenuri cầm quyền của bà đã gọi những nhà lập pháp đối lập là "những kẻ bợ đỡ Trung Quốc".

Một ngày trước đó, thư ký báo chí cấp cao của bà Park, Kim Sung-woo, đã cáo buộc chiến dịch tuyên truyền tăng cường của Bắc Kinh là đang tấn công việc triển khai tên lửa.

"Thay vì gây chuyện với hành động phòng thủ chính đáng của chúng tôi, Trung Quốc nên tăng cường đặt vấn đề một cách mạnh mẽ hơn với Triều Tiên, nước đang phá vỡ hòa bình và ổn định tại bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á khi tiến hành 4 vụ thử hạt nhân và phóng đi hơn 10 tên lửa đạn đạo chỉ trong năm nay", ông Kim nói.

Trung - Hàn thuở mặn nồng

Các nhà phân tích từ cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều cho rằng những bế tắc ngoại giao giữa Seoul và Bắc Kinh gần đây đã "đặt dấu chấm hết cho thời kỳ mặt nồng giữa ông Tập và bà Park".

"Họ giống như một cặp đôi đã yêu nhau một cách nhanh chóng, nhưng họ không nói được ngôn ngữ của đối phương và không hiểu được người kia muốn nói gì", Lee Seong-hyon, một chuyên gia tại Viện Sejong, Seoul cho biết.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP

Không có gì nghi ngờ đó là bà Park, con gái cựu tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, nổi tiếng hơn bất cứ vị lãnh đạo nước ngoài nào tại Trung Quốc.

Bà và ông Tập có những kinh nghiệm tương tự nhau khi họ còn trẻ. Trong cuốn tiểu sử của mình, bà Park nói rằng mình đã tìm lại được bình yên trong tâm sau vụ cha mẹ bị ám sát năm 1979 bằng cách đọc cuốn "Lịch sử Triết học Trung Quốc" (cuốn sách của học giả Trung Quốc Feng Youlan). Cùng năm đó, ông Tập cũng đã hoàn thành chương trình nghiên cứu tại ĐH Thanh Hoa sau khi trai qua 6 năm tại một ngôi làng ở khu vực nông thôn tại tỉnh Hà Bắc trong suốt Cách mạng Văn hóa. Đó là khi mà cha ông bị bắt, bị bỏ tù và trải qua quãng thời gian dài bị quản thúc.

Bà Park, chưa kết hôn, được biết đến với niềm đam mê văn hóa Trung Quốc và từng nói rằng Triệu Tử Long, một danh tướng thời Tam Quốc là tình yêu đầu của mình.

Khi kế nghiệp cựu tổng thống Lee Myung-bak vào năm 2013, bà Park đã có biện pháp thuc đẩy quan hệ với Bắc Kinh ngay lập tức. Trong bài phát biểu khi nhậm chức, bà nói rằng ngoại giao với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.

Điều đó có thể giải thích tại sao Bắc Kinh lại đón tiếp bà một cách đặc biệt khi bà ấy chọn đây là điểm đến (chứ không phải Tokyo) trong chuyến thăm quốc tế thứ hai trong cương vị tổng thống vào tháng 6/2013. Trước đó 1 tháng, bà đã đến Mỹ trước tiên.

Bà đã được mời dự một "bữa trưa đặc biệt" với ông Tập sau cuộc họp thượng đỉnh và quốc yến. Ông Tập đã tặng bà một bức thư pháp làm kỷ niệm. Đó là một câu nói nổi tiếng của một nhà thơ đời Đường, tạm dịch: "Leo thêm một tầng để nhìn thấy ngàn dặm". Đây là dấu hiệu cho thấy hy vọng của ông Tập trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Một năm sau đó, ông Tập chọn đến Seoul chứ không phải Bình Nhưỡng trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của mình tới bán đảo này. Đây là động thái mà các nhà phân tích cho rằng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã chuyển từ Bình Nhưỡng - đồng minh truyền thống - sang gần gũi với Seoul hơn.

Quan hệ song phương đã đạt đến đỉnh cao mới vào năm ngoái. Trong tháng 3/2015, Seoul tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc dẫn đầu và là thành viên sáng lập. 3 tháng sau đó, Bắc Kinh và Seoul ký thỏa thuận thương mại tự do mang tính bước ngoặt. Và 3 tháng sau nữa, bà Park - lãnh đạo duy nhất trong số các nước đồng minh của Mỹ - được đứng cạnh ông Tập trong Lễ duyệt binh tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật.

Triều Tiên - giọt nước tràn ly

Các nhà phân tích nói rằng quyết định gần đây của Hàn Quốc để trở lại với Mỹ đã nhấn mạnh sự tin tưởng chính trị hạn chế giữa Seoul và Bắc Kinh mà vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Bình Nhưỡng hồi tháng giêng là giọt nước làm tràn ly.

"Những cuộc họp không thường xuyên giữa 2 nhà lãnh đạo không tiến triển thành một mối quan hệ thể chế. Khi nói đến các vấn đề quan trọng, trong đó có những vấn đề liên quan đến Triều Tiên, quan điểm và chính sách của họ chia rẽ", Woo Jung-yeop, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul cho biết.

"Ví dụ, sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, 2 nhà lãnh đạo đã mất một tháng để nói chuyện về cái gọi là đường dây nóng. Đường dây nóng giữa 2 nhà lãnh đạo hóa ra không phải là nóng khi giải quyết các vấn đề Triều Tiên".

Sun Xingjie, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm, cho biết bế tắc ngoại giao phản ánh sự thất vọng sâu sắc của bà Park với Bắc Kinh sau nhiều năm ve vãn về kinh tế.

"Càng kỳ vọng nhiều thì càng thất vọng lớn. Khi bà Park nhận ra Trung Quốc thất bại trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng, những hy vọng không thực tế tan vỡ và cảm giác không an toàn sâu sắc, bà quay sang Mỹ để thay thế", ông Sun nói.

Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách cấm những chương trình mới của các ngôi Sao Hàn Quốc trên truyền hình Trung Quốc. Nhưng Seoul quan ngại nhiều hơn về nguy cơ trả đũa kinh tế từ phía Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của họ - đặc biệt khi xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm xuống trong vòng 19 tháng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng bế tắc lâu dài giữa Seoul và Bắc Kinh sẽ chẳng khiến bên nào được hưởng lợi.

Ông Woo nói rằng với Hàn Quốc, cuộc đối đầu như vậy sẽ mang lại cho Triều Tiên cơ hội để "đưa trật tự Đông Bắc Á trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh khi Trung Quốc và Nga hỗ trợ Triều Tiên và không có mối quan hệ tốt với Hàn Quốc, Nhật Bản".

Ông Sun cho biết một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ dồn Trung Quốc vào một góc và làm tổn hại đến những lợi ích của họ tại bán đảo Triều Tiên nếu Hàn Quốc trôi vào quỹ đạo của Mỹ, Nhật.

Các nhà phân tích cho rằng về lâu dài, cần phải có những cuộc đàm phán giữa 2 nhà lãnh đạo để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Nhưng trong khi chờ đợi, ông Woo cho rằng "có khả năng 2 nhà lãnh đạo sẽ không nhắc lại lập trường và nguyên tắc cốt lõi của mình (tại thượng đỉnh G20)".

Bảo Linh (SCMP)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: thaad