Tin mới

Anh từng lên kế hoạch bắt cóc quái vật hồ Loch Ness về trưng bày

Thứ ba, 28/10/2014, 09:29 (GMT+7)

Trong chuỗi câu chuyện bí ẩn liên quan đến quái vật hồ Loch Ness, một tài liệu mới giải mật của chính phủ Anh tiết lộ, hồi những năm 1930, người Scotland từng lo sợ rằng nhà cầm quyền ở London sẽ bắt cóc quái vật hồ Loch Ness và đưa về trưng bày trong bảo tàng.

Trong chuỗi câu chuyện bí ẩn liên quan đến quái vật hồ Loch Ness, một tài liệu mới giải mật của chính phủ Anh tiết lộ, hồi những năm 1930, người Scotland từng lo sợ rằng nhà cầm quyền ở London sẽ bắt cóc quái vật hồ Loch Ness và đưa về trưng bày trong bảo tàng.

Văn phòng về Scotland - một bộ thuộc chính phủ Vương quốc Anh chuyên quản lý các vấn đề liên quan đến Scotland trong thời gian từ 1885 đến 1999, từng lập một hồ sơ về quái vật hồ Loch Ness vào tháng 12/1933, sau khi tới tấp nhận được các yêu cầu điều tra về những vụ chạm trán với thủy quái vào năm đó.

 

Người Scotland từng lo ngại rằng quái vật hồ Loch Ness sẽ bị nhà cầm quyền London bắt về trưng bày

Các hồ sơ tương tự cũng được tìm thấy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia ở London, với nội dung mô tả những lo sợ của Scotland rằng, quái vật hồ Loch Ness "sẽ không được phép tìm nơi an nghỉ cuối cùng ở Anh", sau khi xuất hiện một khoản tiền treo thưởng hậu hĩnh dành cho cái đầu của nó.

Các tài liệu cũng cho thấy, nhiều năm sau đó, Hoàng thân Philip, chồng của Nữ hoàng Anh Elizabeth thậm chí còn gọi điện thoại yêu cầu Hải quân hoàng gia tìm kiếm con vật bí ẩn này.

Vào khoảng năm 1934, cả Bảo tàng lịch sử quốc gia ở London, Anh và Bảo tàng Hoàng gia Scotland tại Edinburgh, Scotland đều muốn sở hữu quái vật hồ Loch Ness (thường được biết đến với tên gọi Nessie). 

Tuy nhiên, trong khi Scotland hy vọng có thể kìm chân những kẻ săn tiền thưởng đủ lâu để thông qua luật mới bảo vệ sinh vật này, nhà cầm quyền London lại thích tóm giữ nó ngay.

 

Tháng 3/1934, một quan chức không rõ danh tính ở Bảo tàng lịch sử quốc gia London thậm chí chẳng thèm che giấu điều gì, nói thẳng ra cách những kẻ săn tiền thưởng nên làm khi tóm được quái vật. 

"Tôi hy vọng các bạn sẽ không nao núng bởi bất kỳ sự cảm thương nhân đạo nào khi bắn nó tại trận và gửi xác quái vật cho chúng tôi trong tình trạng bảo quản lạnh và vận chuyển bằng đường sắt. Các bộ phận cơ thể của nó, chẳng hạn như chân, hàm hay răng cũng rất được hoan nghênh", tài liệu dẫn lại lời ông này.

Nhóm người săn quái vật chuẩn bị lên đường, bắt đầu cuộc tìm kiếm

Theo những tài liệu khác được tìm thấy ở Edinburgh, áp lực đã gia tăng đối với một đạo luật đặc biệt của quốc hội Vương quốc Anh nhằm ngăn cản quái vật hồ Loch Ness bị giết hoặc bắt giữ. Chiến dịch do nghị sĩ Murdoch MacDonald đại diện cho Scotland khởi xướng.

"Có quá nhiều bằng chứng về sự tồn tại của con quái vật này, nhiều người đã tận mắt nhìn thấy và luôn đặt câu hỏi về Nessie", MacDonald  viết. Ông cũng đề xuất trước quốc hội nên có biện pháp bảo vệ con vật này, nhưng Bộ trưởng Scotland đã bác bỏ với lí do "không có luật pháp nào bảo vệ những con quái vật".

Những tiết lộ trên được tác giả David Clarke nêu ra trong cuốn sách nhan đề "Các hồ sơ dị thường của Liên hợp Anh" của ông. "Trong những năm 1930, quái vật hồ Loch Ness đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Scotland. Đã có rất nhiều phẫn nộ của người Scotland về việc khả năng xác của con quái vật này có thể bị đem trưng bày ở London", ông Clarke viết.

 

 

Yên Yên (Nguồn: Daily Mail)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news