Hàng nghìn người Hong Kong trắng đêm biểu tình phản đối luật dẫn độ
Một buổi biểu tình ôn hòa đã được tổ chức bên ngoài Hội đồng Lập pháp của Hong Kong đêm 11/6, rạng sáng 12/6. Theo dự kiến, buổi tranh luận về dự luật dẫn độ gây tranh cãi sẽ diễn ra tại đây trong hôm nay.
Trong những giờ đầu, số người biểu tình tăng nhanh, chặn những ngả đường chính quanh các tòa nhà chính quyền. Bất chấp sự phản đối rộng rãi, chính quyền Hong Kong tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy luật dẫn độ.
ác nhà phê bình đã viện dẫn việc sử dụng các hình thức ta tấn, giam giữ tùy tiện và ép nhận tội trong hệ thống tư pháp Trung Quốc để phán đối dự luật này. Nhiều bộ phận xã hội đã lên tiếng chống lại việc dẫn độ sang Trung Quốc trong những ngày gần đây, trong đó có các trường học, luật sư và doanh nghiệp với hàng trăm kiến nghị được lưu hành. Một số doanh nghiệp và người lao động cũng tuyên bố họ sẽ đình công để biểu tình. Các nhóm vận động hành lang kinh doanh hùng mạnh cho biết họ sợ những kếu hoạch này sẽ phá hỏng khả năng cạnh tranh của Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong hứa có ràng buộc về mặt pháp lý bảo vệ nhân quyền và các biện pháp khác để giảm bớt lo ngại. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến những cuộc biểu tình lớn nhất mà nơi này từng chứng kiến kể từ khi Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Cảnh sát cho biết họ cũng đang điều tra mối đe dọa sát hại Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam và các thành viên của bộ tư pháp vì dự luật.
Tuần duyên Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông, răn đe Trung Quốc
Phó Tư lệnh Tuần duyên Mỹ khu vực Thái Bình dương, Đô đốc Linda Fagan cho biết sự hiện diện tại Biển Đông và các khu vực khác sẽ giúp việc thực thi chủ quyền của các nước đối tác tại những vùng biển tranh chấp. Tàu tuần duyên USCGC Bertholf và USCGC Stratton đang được triển khai cùng với Hạm đội bảy đồn trú tại Yokosuka, Nhật Bản. Các tàu này sẽ giúp "thực thi pháp luật và xây dựng năng lực trong việc thúc ép tôn trọng luật lệ nghề cá", bà Fagan nói.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia châu Á khiếu nại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Bên cạnh một lực lượng hải quân đang phát triển, Trung Quốc còn tập trung kiểm soát quân sự đối với lực lượng Hải cảnh gồm 200 tàu, trang bị cho lực lượng này các tàu lớn và các tàu dân sự thay thế để hỗ trợ hoạt động.
Hải quân Mỹ đã đưa các tàu tuần duyên tới khu vực này trong đó có việc tàu Bertholf tham gia quá cảnh eo biển Đài Loan hồi tháng 3. Tháng trước, Tuần duyên Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận chung với hai tàu Philippines tại vùng biển mà Bắc Kinh đòi yêu sách và đã áp sát hai tàu Trung Quốc trong quá trình này.
Nói về lần đi qua eo biển Đài Loan, bà Fagan cho biết đây là chuyến đi đầu tiên của Tuần duyên Mỹ tới đó trong vòng 7 năm qua. Việc này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. "Đây là một eo biển quốc tế được công nhận và tàu của chúng tôi đi qua đó", bà nói.
Ngày 10/6, hai tàu hải cảnh Trung Quốc và hai tàu dân quân khác đã xuất hiện quan bãi cạnh Scarborough, nơi đang có tranh chấp với Philipines, phát ngôn viên của Tuần duyên Philippines Armand Balilo tuyên bố.
Ông Trump nói mình đang cải thiện quan hệ thương mại Mỹ-Trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông sẽ ngăn việc Trung Quốc gian lận thêm bất cứ đồng nào của người Mỹ.
"Trung Quốc hiện nay phải trả chúng ta hàng tỉ USD. Nhưng trước đây họ không trả chúng ta một đồng nào" - ông Trump trả lời phóng viên ngày 11-6.
Hơn nữa, Chính sách mạnh mẽ của chính quyền Washington đối với phương cách giao dịch của Trung Quốc đã giúp thu hẹp khoảng cách thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Trump khẳng định.
Hãng tin Fox Business còn cho biết ông Trump cáo buộc những người tiền nhiệm đã cho phép Bắc Kinh vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực kinh tế.
"Đất nước chúng ta đã thảm bại dưới Trung Quốc trong thời cựu Tổng thống Barack Obama và cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden" - ông Trump tuyên bố.
Mới đây, ông Trump còn đe dọa sẽ đánh thuế cao vào 300 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham gia hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế lớn (G20) ở Nhật cuối tháng này.
Bàn về thương chiến Mỹ-Trung , ông Trump tin chắc rằng Bắc Kinh vô cùng mong muốn một thỏa thuận với Washington.
Bên cạnh đó, ông cũng ca ngợi mối quan hệ với Chủ tịch Tập và mong muốn gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc tại hội nghị G20.
Iran: Mỹ 'đừng mong an toàn sau khi phát động thương chiến'
Với áp lực kinh tế mà Mỹ đặt lên Iran, Ngoại trưởng Javad Zarif ngày 10/6 cảnh báo rằng Mỹ "đừng mong an toàn" sau những hậu quả mà họ mang lại. Ông Zarif cũng đổ lỗi trực tiếp cho Tổng thống Donald Trump trong vấn đề này: "Chính ông Trump đã tuyên bố Mỹ phát động cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Iran. Giải pháp duy nhất để giảm căng thẳng trong khu vực này là dừng thương chiến".
Sự sụp đổ trong quan hệ giữa Washington và Tehran hiện nay phần lớn là hậu quả từ quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Trump hồi năm ngoái. Thỏa thuận (tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung JCPOA) do người tiền nhiệm Barack Obama ký năm 2015 cùng với các bên Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức.
Những bình luận của ông Zarif được đưa ra tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tới Tehran nhằm xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, chuyến thăm dường như không mang lại nhiều kết quả.
Đức đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về thỏa thuận hạt nhân 2015 và chí ít đây cũng là quốc gia phản đối Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Cuộc hội đàm và họp báo giữa hai vị bộ trưởng diễn ra chỉ hơn một tháng tước thời hạn mà Iran đưa ra cho châu Âu để đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận.
Trump nhận thêm 'lá thư tốt đẹp' từ Kim Jong-un
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cho biết ông đã nhận thêm "một lá thư tốt đẹp" từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. "Ông ấy đã giữ lời. Điều này rất quan trọng với tôi", ông chủ Nhà Trắng phát biểu. Tuy nhiên, Trump không tiết lộ nội dung bức thư.
Tổng thống Mỹ còn bày tỏ sự tin tưởng trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần ba với lãnh đạo Triều Tiên. "Hội nghị có thể diễn ra, nhưng tôi muốn tổ chức nó trong tương lai xa hơn", ông cho biết.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm qua cũng khẳng định hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần ba "hoàn toàn có khả năng" diễn ra sau hai lần gặp mặt tại Singapore và Việt Nam. "Chúng tôi sẵn sàng khi họ cũng vậy", Bolton cho biết, nói thêm rằng lãnh đạo Triều Tiên là người "nắm giữ chìa khóa" quyết định cuộc họp có được tiến hành hay không.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội hồi tháng hai không đạt được thỏa thuận nào do bất đồng giữa hai bên về phạm vi phi hạt nhân hóa và lệnh trừng phạt. Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên phức tạp sau hai vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng vào ngày 4/5 và 9/5, trong khi tiến trình đàm phán hạt nhân bị đình trệ.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua cảnh báo tuyên bố chung tại Singapore giữa Trump và Kim "có nguy cơ trở thành tờ giấy trắng vì Mỹ đang phớt lờ việc thực thi". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 10/6 cho biết Mỹ - Triều đang thảo luận để tổ chức hội nghị lần ba.