IS âm mưu đưa người phương tây vào Mỹ từ biên giới Mexico
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa cực đoan Bạo lực Quốc tế (ICSVE), chiến binh IS Abu Henricki sau khi bị bắt giữ đã khai rằng mình bị lãnh đạo phe nổi dậy yêu cầu tấn công vào Mỹ từ một tuyến đường bắt đầu ở Trung Mỹ.
"IS có những hang ổ với nhiều phần tử hồi hương được tổ chức tại châu Âu, vì vậy, việc chúng muốn gửi những người này đi tấn công có vẻ hoàn toàn hợp lý", Anne Speckhard người đồng thực hiện nghiên cứu nói với Fox News. Theo ông, thực hiện một vụ tấn công vào Bắc Mỹ nếu di chuyển từ Syria tới thì sẽ khó khăng hơn. "Vì vậy, ý tưởng sử dụng người gia nhập IS mà các chính phủ không biết, họ sẽ có khả năng lên được máy bay".
Henricki bị cáo buộc tới Syria với ý định phục vụ cho IS nhưng sau đó anh ta không thể nhận nhiệm vụ vì bị bệnh mãn tính. Vào cuối năm 2016, anh ta tuyên bố mình được một phe tình báo của IS, gọi là emini "mời" gia nhập để cùng với những người phương Tây khác phát động các cuộc tấn công tài chính ở Mỹ.
Theo Henricki, những cuộc tấn công này được thiết kế để "làm tê liệt nền kinh tế Mỹ". Anh ta được thông báo sẽ có giấy tờ tùy thân và hộ chiếu giả và sẽ đi từ Puerto Rico đến Mixico sau đó vào Mỹ. "Kế hoạch này do một người ở bang New Jersey của Mỹ tạo ra. Tôi đã lên thuyền ở Puerto Rico tới Mexico. Anh ta có ý định buôn lậu tôi vào trong", phần tử IS tiếp tục.
Henricki tin rằng kế hoạch này nhắm vào các mục tiêu tài chính ở New York. "IS muốn sử dụng những người này (để tấn công từ bên trong nước Mỹ) bởi họ đến từ các khu vực ấy". Henricki chỉ ra rằng những người mà IS sử dụng đến từ Bắc Mỹ hoặc là người nói tiếng Anh.
Mỹ ngừng huấn luyện phi công F-35 để ‘nắn gân’ Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ đã quyết định dừng nhận bất cứ phi công mới nào của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình huấn luyện lái chiến đấu cơ F-35 tại Mỹ, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết. Hai quan chức Mỹ dấu tên tiết lộ quyết định này và nói rằng vẫn có cơ hội thay đổi, tất cả phụ thuộc vào Ankara.
Các quan chức cho biết quyết định này chỉ áp dụng cho những phi công và các nhóm bảo dưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ sắp tham gia huấn luyện tại Mỹ. Tuy nhiên, quyết định tạm dừng đào tạo chính thức phi công và nhân viên bảo dưỡng Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ Không quân Luke ở Arizona chưa được đưa ra. Theo Reuters, khả năng thay đổi quyết định này vẫn để mở nếu Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi kế hoạch của mình.
Theo quân đội Mỹ, 4 phi công Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được huấn luyện tại Căn cứ Luke. Hai phi công Thổ bổ sung đang làm giảng viên tại đây. Ngoài 6 sĩ quan này, còn có thêm 20 nhân viên bảo trì máy bay cũng đang được huấn luyện tại trung tâm.
Trong khi đó, Quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách NATO và châu Âu Andrew Winternitz ngày 6/6 cho biết nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua cả S-400 và F-35 cho các lực lượng vũ trang của mình, họ có thể nghiên cứu để sử dụng hệ thống phòng thủ của Nga nhằm chống lại máy bay thế hệ 5 của Mỹ hiệu quả hơn.
Đệ nhất phu nhân Mỹ bị chỉ trích vì đeo kính tại lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandy
Bà Melania ngày 6/6 cùng chồng bay tới Normandy, Pháp để dự lễ kỷ niệm sự kiện lịch sử, được coi là có đóng góp quan trọng trong chiến thắng cuối cùng của quân Đồng minh trước phát xít Đức hồi Thế chiến 2.
Bà chủ Nhà Trắng đã lựa chọn áo khoác dáng dài màu đen, giày màu đen và đặc biệt là cặp kính râm lớn. Tuy đã lựa chọn màu sắc phù hợp với lễ tưởng niệm, song bà Melania vẫn bị chỉ trích vì không tháo kính ra trong suốt sự kiện.
Người dùng mạng Twitter chỉ trích rằng đây là hành động “thiếu tôn trọng” khi bà không thể bỏ kính trong một sự kiện kỷ niệm có tính chất trang nghiêm.
“Melania đeo kính đen. Không phù hợp với một lễ tưởng niệm”, một người bình luận.
“Vì sao Melania lại đeo kính? Lúc nào bà ấy cũng chỉ quan tâm tới diện mạo của mình. Thật thiếu tôn trọng”, người khác viết.
Trong khi đó, một số ý kiến nói rằng bà Melania cố tình không tháo kính để giữ bộ trang phục và phụ kiện trông hoàn chỉnh.
“Melania nghĩ rằng bà ấy ở liên hoan phim Cannes với cặp kính đó”, một người dùng nhận xét, trong khi người khác nói rằng đây không phải là sự kiện thời trang.
Đệ nhất Phu nhân Pháp Brigitte Macron, người đồng hành của bà Melania hôm qua, không đeo kính. Điều này khiến bà Melania bị chỉ trích mạnh mẽ hơn.
Động thái sốc: Mỹ gọi Đài Loan là 'quốc gia'
Việc đưa Đài Loan vào danh sách "các quốc gia" trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ là mới nhất trong một loạt động thái khiêu khích nhằm đối đầu với Trung Quốc của chính quyền Trump. Từ ngữ này đã phá vỡ việc tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc" bấy lâu nay của Mỹ. Nó xuất hiện trong "Báo cáo Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" dài 55 trang được công bố hôm 1/6. Bộ Quốc phòng dùng từ này khi nói về những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ đối tác với các nền dân chủ trong khu vực, đó là Singapore, Đài Loan, New Zealand và Mông Cổ. "Tất cả 4 quốc gia đóng góp cho các nhiệm vụ của Mỹ khắp thế giới và đang tích cực thực hiện các bước đi để duy trì một trật tự quốc tế tự do và cởi mở". Báo cáo còn dẫn 4 "quốc gia" này là "những đối tác tự nhiên, có khả năng và đáng tin cậy".
Bộ Quốc phòng Mỹ đã không trả lời những câu hỏi về việc sử dụng ngôn từ của mình, không nêu bất cứ mục đích hay thông điệp nào mặc dù ngày 6/6, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói rằng Đài Loan đang chịu sự đe dọa ngày một tăng từ Bắc Kinh.
Các nhà phân tích nói rằng việc sử dụng từ "các quốc gia" là cuộc tấn công mới nhất của chính quyền Trump khi Mỹ và Trung Quốc đang xung đột về thương mại, an ninh, giáo dục, visa, công nghệ và tầm nhìn cạnh tranh của "nền văn minh". Việc ám chỉ Đài Loan là một nước thường do quan chức Mỹ "lỡ lời" thay vì xuất hiện trong một văn bản được chỉnh sửa kỹ lưỡng như thế này, họ nói thêm.
Trong một thông điệp gới thiệu "Báo cáo Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương", quyền bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan còn đổ thêm dầu vào lửa khi xác định rõ rằng Đảng cộng sản Trung Quốc là kiến trúc sư tầm nhìn cho "trật tự thế giới đàn áp".
"Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, tìm cách sắp xếp lại khu vực theo hướng có lợi cho họ" bằng cách tận dụng hiện đại hóa quân sự, hoạt động ảnh hưởng và "kinh tế săn mồi" để cưỡng chế các nước khác, ông Shanahan viết. Điều này trái ngược hẳn với quá khứ, quan chức Mỹ thường ám chỉ chính phủ Trung Quốc thay vì nói đến đảng cầm quyền.
Thủ tướng Campuchia lên tiếng về phát biểu của ông Lý Hiển Long về Việt Nam
Theo tin tức trên báo Vnexpress, ngày 6/6, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã có những chia sẻ xung quanh về phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long về Việt Nam.
Ông Samdech Hun Sen viết: "Tôi rất lấy làm tiếc về việc ngài Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 31/5 đăng trên Facebook rằng tướng Prem khi còn là Thủ tướng Thái Lan đã cùng các thành viên ASEAN chống lại việc Việt Nam xâm lược Campuchia và chống lại việc Chính phủ Campuchia mới thay thế Khmer Đỏ.
ingapore là nước chủ nhà tổ chức một cuộc họp dẫn đến việc thành lập chính phủ hỗn hợp ba phái Campuchia dân chủ và đã kéo dài cuộc chiến tại Campuchia, cũng như sự đau khổ của nhân dân Campuchia hơn 10 năm, đồng nghĩa với việc chống lại sự hồi sinh của nhân dân Campuchia.
Vậy cuối cùng, tôi muốn hỏi ngài Thủ tướng Lý Hiển Long rằng, liệu ông ấy có xem phiên tòa xét xử các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ là đúng đắn hay không?".
Theo tin tức từ Thanh Niên, chiều ngày 6/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan liên quan đã giao thiệp chính thức và không chính thức với đối tác Singapore. Chúng tôi đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội. Tôi tin rằng phía Singapore hiểu rõ thông điệp của chúng ta”.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã dùng những từ "xâm lược", "chiếm đóng" để nói về quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979.