Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cáo buộc Nga là "mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của châu Âu".
Hãng AFP đưa tin, trong chuyến đến thăm Estonia, ông Obama khẳng định, “hành vi xâm lược của Nga tại Ukraine đe dọa viễn cảnh một châu Âu hòa bình và tự do”. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh NATO sẽ không để cho sự “xâm lược” đó diễn ra không ai ngăn cản.
“Chúng tôi sẽ bảo vệ các đồng minh NATO, tất cả mọi đồng minh. Chúng tôi sẽ có mặt ở đây vì Estonia. Các bạn đã đánh mất nền độc lập một lần. Với NATO, các bạn sẽ không bao giờ thua lần nữa” - ông Obama tuyên bố.
Trong bài viết đăng trên báo Anh The Times số ra ngày 4/9, ông Obama và Thủ tướng Anh David Cameron viết: “Nga đã vi phạm luật chơi bằng việc sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp và đưa quân vào Ukraine, đe dọa chủ quyền một quốc gia độc lập”.
Tổng thống Mỹ Obama đã cáo buộc Nga là mối đe dọa hòa bình và an ninh châu Âu
Ông Obama đang bị chỉ trích là không thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng gia tăng, vì phương pháp ưa thích của ông là tăng dần sự trừng phạt kinh tế. Ông đã cảnh báo ông Putin, rằng Mỹ và châu Âu có thể trừng phạt tài chính thêm nữa, nhưng ông kiên quyết phản đối một sự can thiệp quân sự.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmusse cũng cho rằng “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine là đe dọa an ninh lớn nhất khu vực kể từ Chiến tranh lạnh.
Hôm nay (4/9) NATO sẽ nhóm họp ở Wales để thảo luận kế hoạch lập lực lượng phản ứng nhanh 4.000 quân tại Đông Âu nhằm đối phó với Nga. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo NATO sẽ đối thoại với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Dự kiến NATO sẽ thông qua gói hỗ trợ 15,8 triệu USD để cải thiện năng lực quân sự của Ukraine.
Các thành viên NATO ở Đông Âu, trong đó có Ba Lan, đã kêu gọi NATO triển khai thường trực hàng nghìn binh lính tới các nước này để đề phòng nguy cơ Nga tấn công. Tuy nhiên theo Reuters, các thành viên khác của NATO phản đối quan điểm này vì nó vi phạm thỏa thuận 1997 giữa NATO và Nga.
Theo thỏa thuận đó, NATO cam kết không triển khai lực lượng quân sự thường trực tại Đông Âu. Thay vào đó, nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết NATO sẽ vận chuyển khí tài và thiết bị hậu cần tới các nước Đông Âu có sẵn căn cứ quân sự để sẵn sàng tiếp nhận lực lượng phản ứng nhanh của NATO khi xung đột nổ ra.
Phản ứng lại kế hoạch thành lập lực lượng phản ứng nhanh tại Đông Âu của NATO, Nga tuyên bố sẽ thay đổi học thuyết quân sự để phản ánh việc “cơ sở hạ tầng của NATO đang tiến lại gần hơn biên giới của nước Nga”.
Yên Yên (Theo Người đưa tin)