(Tinmoi.vn) Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ chiêu trò "vừa đấm vừa xoa" trên Biển Đông khi một mặt hành động khiêu khích trên Biển Đông, mặt khác ra vẻ "hòa hiếu" khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán và hợp tác với ASEAN để thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Hãng tin Chinanews hôm 19/6 cho hay, bà Hứa Chấn Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với ASEAN để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trung Quốc sẽ tham dự cuộc hội đàm nhằm mục đích thực hiện Tuyên bố về các ứng xử trên Biển Đông (DOC), diễn ra trong hai ngày 24 và 25/6 ở Bali, Indonesia.
“Trung Quốc sẵn sàng làm việc với ASEAN để thúc đẩy hợp tác toàn diện và hiệu quả nhằm triển khai COC”, bà này khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi DOC và xây dựng COC nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Trước đó, mặc dù Việt Nam đã đưa ra những bằng chứng xác thực cho thấy các tàu Trung Quốc liên tiếp đâm vào tàu Việt Nam song, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình vẫn nói rằng việc tàu của nước này đâm tàu Cảnh sát biển Việt Nam không phải là “cuộc đụng độ”, rằng Trung Quốc và Việt Nam có thể giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Cuộc tập trận bắn đạn thật tác chiến của tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc
Tuy nhiên, trái ngược với những tuyên bố đậm màu yêu chuộng hòa bình, đề cao sự hợp tác, đàm phán, những động thái mà Trung Quốc đã và đang tiến hành khiến các nước láng giềng hầu như đã không còn niềm tin với những luận điệu "rót mật vào tai" của Bắc Kinh.
Một ngày trước tuyên bố đầy tính xây dựng của bà Hứa, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan “Nam Hải số 9” được lai dắt từ tới khu vực cửa vịnh Bắc Bộ. Đây là khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải giữa hai bên. Nam Hải số 9 là giàn khoan thứ hai mà Bắc Kinh đưa vào Biển Đông trong những tháng gần đây.
Một Hải Dương 981 khiến dư luận quốc tế chỉ trích gay gắt hình như chưa đủ để Bắc Kinh ý thức được những mũi lao đang hướng về mưu đồ bành trướng của mình. Thuyết "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc từ lâu đã không còn "chỗ đứng" niềm tin đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng, những người thường xuyên phải hứng chịu những mối đe dọa từ "người láng giềng khổng lồ này".
"Nam hải số 9" thêm một lần khẳng định rằng Trung Quốc trong lịch sử hay của hiện tại đều chưa bao giờ từ bỏ tham vọng với Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố đề cao tính hợp tác, đàm phán, thương lượng và giải quyết song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 cùng đội tàu hộ tống hùng hậu, bao gồm cả chiến hạm, trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thậm chí, tàu Trung Quốc nhiều lần tấn công các tàu thực thi pháp luật và tàu cá Việt Nam trong khi giới chức Bắc Kinh liên tục vu khống Việt Nam khiêu khích.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc ngày 18/6 công bố cấp quyền đăng ký sử dụng đất cho cái gọi là thành phố Tam Sa mà Bắc Kinh lập ra trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Phía Philippines liên tục cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo đất trái phép ở các đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Máy bay trinh sát Philippines liên tục phát hiện các tàu chở vật liệu xây dựng của Trung Quốc hoạt động ở Trường Sa.
Tất cả các hành vi của Trung Quốc đều vi phạm nghiêm trọng DOC, văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại Phnom Penh, Campuchia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không khẳng định Bắc Kinh sẽ ngừng gây hấn khi tới hội đàm tại Bali trong tuần tới.
Yên Yên