(Tinmoi.vn) Hôm 7/7, Triều Tiên tiếp tục phát đi lời kêu gọi chấm dứt tình trạng đối đầu trên Bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ liên Triều và "tái thống nhất độc lập" dân tộc.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của chính quyền Bình Nhưỡng cho biết nước này đã đưa ra đề xuất gồm 4 điểm, theo đó làm rõ các nguyên tắc và quan điểm của Bình Nhưỡng nhằm làm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và "tái thống nhất độc lập" dân tộc.
Đề xuất 4 điểm của Triều Tiên còn bao gồm cả việc cam kết sẽ gửi hàng chục vận động viên sang dự Á vận hội tổ chức ở Incheon, Hàn Quốc vào tháng 9 tới.
Bình Nhưỡng đề nghị Seoul giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và "tái thống nhất độc lập" dân tộc
Đề xuất kêu gọi cả hai bên cùng hướng tới tuyên bố chung ngày 15/6/2000, văn bản đã được ký kết tại Bình Nhưỡng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
“Trong tuyên bố chung ngày 15/6, cả Triều Tiên và Hàn Quốc cùng nhận ra rằng có những điểm chung về nhà nước liên bang do miền Bắc và miền Nam đề xuất và đồng ý thống nhất theo hướng này trong tương lai”.
Bình Nhưỡng cũng kêu gọi Seoul "từ bỏ thái độ đối địch, dừng ngay các hoạt động diễn tập quân sự mang tính xâm lăng" và tôn trọng hiệp ước liên Triều.
Theo đó cả hai miền Nam - Bắc nên tránh phụ thuộc vào "các thế lực bên ngoài", tự giải quyết mọi vấn đề giữa hai bên và tìm kiếm "các đề xuất tái thống nhất dân tộc hợp lý".
Các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán giữa hai miền Triều Tiên đã bị gián đoạn từ năm 2010
Lời kêu gọi hòa hoãn này có thể sẽ không thay đổi được gì bởi Hàn Quốc từ lâu khẳng định rõ quan điểm rằng các cuộc tập trận chung hàng năm với Mỹ không thể đưa ra thương lượng.
Ngày 30/6, chính quyền của Chủ tịch Kim cũng bất ngờ đưa ra một đề xuất tương tự nhưng bị từ chối. Bởi lẽ "nỗ lực" lần này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên xác nhận vụ bắn tên lửa thứ hai chỉ vỏn vẹn trong vòng một tuần.
Trước đó, Hàn Quốc cũng từng kêu gọi Triều Tiên giảm nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, đề nghị này vấp phải phản ứng gay gắt của Bình Nhưỡng bởi một yếu tố được Hàn Quốc đưa ra là "thống nhất thể chế". Bình Nhưỡng coi đây là "sự xâm lược chính trị".
Yên Yên