Tuyên bố rút các lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản để hai nước phát triển vũ khí hạt nhân của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donlad Trump đã gây ra những mối nguy hiểm tiềm năng cho Chính sách của Washington tại khu vực Đông Á.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều đã dùng những từ ngữ hung hăng, nóng nảy. Trump nói rằng bà Hillary Clinton phải bị "bỏ tù", trong khi bà Clinton buộc tội ông Trump "là mối đe dọa của nền dân chủ" Mỹ. Những từ ngữ khoa trương này đã thu hút được sự chú ý của truyền thông Mỹ cũng như các nhà quan sát nước ngoài. Điều này đặc biệt đúng trong mối quan hệ với chính sách Đông Á, nơi Trump có ý định sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Nhật Bản, Hàn Quốc và cởi mở hơn trong vấn đề vũ khí hạt nhân của hai quốc gia này. Tuyên bố này nhận được sự chú ý của truyền thông không kém gì những bình luận khác của ông.
Các học giả dường như đã quá vội vàng khi kết luận rằng những định hướng của Trump không ảnh hưởng gì đến chính sách mà Mỹ đang theo đuổi vì ông sẽ không thể đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, chưa nói đến kết quả bầu cử, sự thật là bình luận của Trump đã tác động lớn đến cả Nhật Bản và Hàn Quốc, từ đó có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau cho chính sách của Mỹ tại khu vực Đông Á.
Hồi tháng 7, tờ Los Angeles Times từng chỉ ra rằng, những thành viên đảng Bảo thủ Nhật Bản muốn nhìn thấy hiến pháp hòa bình và đã kêu gọi ứng viên đảng Cộng hòa tạo cho họ cơ hội một lần trong đời thoát khỏi những mối quan hệ quân sự với Mỹ, đưa Nhật bản trở thành một quốc gia thực sự độc lập.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Donald Trump nói rằng ông sẽ rút hết các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, mở ra cơ hội cho 2 đồng minh này phát triển vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters |
Đây không phải là ý kiến đóng vai trò chủ đạo của những người bảo thủ Nhật Bản. Trái lại, nhiều người bày tỏ thái độ khinh thường đối với ông Trump và không mong muốn đạt tới vũ khí hạt nhân. Nhưng những định hướng trong chính sách của Trump khi trở thành tổng thống có thể khiến Washington và Tokyo xa nhau, buộc những người bảo thủ phải giữ lấy lập trường của họ. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại cho các nước láng giềng của Nhật Bản rằng Tokyo sẽ tái vũ trang quân đội.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, các thành viên quốc hội của cả hai đảng gần đây đã kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân, trong đó có chủ tịch và cựu chủ tịch đảng cầm quyền Saenuri. Một vài chính trị gia từng duy trì lập trường này trong quá khứ nhưng tờ New York Times hồi tháng 2 từng chỉ ra rằng, đó chỉ là "một nhóm nhỏ các chính trị gia bảo thủ và chuyên gia".
Khi ứng viên Trump đề cập đến điều này trong chiến dịch tranh cử vài tháng qua, sự ủng hộ đối với quan điểm này có vẻ như tiếp tục được mở rộng, vượt ra khỏi phạm vi các cá nhân, đi vào ý thức chính trị chính thống của Hàn Quốc.
Công bằng mà nói, những quan điểm này xuất hiện ở Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ vì những bình luận của Trump. Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và những lần thử hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn góp phần vào sự hình thành những quan điểm này. Nhưng những sự kiện tương tự như vậy trong quá khứ đã không dẫn đến quan điểm này. Chẳng hạn, phản ứng đối với những vụ thử hạt nhân trong quá khứ của Triều Tiên thường nhẹ nhàng hơn, một phần do các quốc gia này tin rằng Mỹ sẽ đáp ứng nghĩa vụ đảm bảo an ninh trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Bình luận của Trump khiến các chính trị gia ở Hàn Quốc và Nhật Bản nghi ngờ rằng, uy tín của Mỹ đã bị hủy hoại thay vì phải được tăng cường.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á là một giải pháp để đảm bảo ổn định và an ninh khu vực. Ảnh: US Navy |
Điều này có thể gây nhiều hậu quả lâu dài cho chính sách của Mỹ trong khu vực. Ví dụ, khát vọng hạt nhân của Nhật bản và Hàn Quốc sẽ nâng cao nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang khu vực và có thể nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Ngay cả khi một cuộc chạy đua vũ trang không trở thành hiện thực, việc triển khai các đề xuất cũng sẽ gây bất ổn cho một khu vực chiếm 29% GDP toàn cầu năm 2015 và tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Sự đảm bảo an ninh của Mỹ rất quan trọng cho sự ổn định khu vực. Một khi uy tín của Mỹ bị suy giảm, khu vực Đông Á sẽ rơi vào tình trạng bất ổn, từ đó tác động tiêu cực trở lại đối với chính sách của Mỹ trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, tin tốt là vấn đề này vẫn có thể cứu vãn. Sau cuộc bầu cử tổng thống, chính quyền mới cần nhanh chóng khôi phục sự tin cậy đối với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn nữa, những thành viên đảng Cộng hòa trong quốc hội nên cho thấy rõ cam kết trong nghĩa vụ đối với đồng minh Đông Á, và rằng những phát ngôn của Donald Trump không đại diện chính thức cho đảng. Sự bảo đảm mà 3 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đưa ra trong chuyến thăm hồi tháng 7 đến Seoul là một ví dụ lạc quan cho các đồng minh của Mỹ. Điều tồi tệ nhất sẽ không xảy ra, nhưng nếu không có gì được thực hiện, vấn đề này sẽ là nguyên nhân cốt lõi gây cản trở hoạch định chính sách ở hai bờ Thái Bình Dương của Mỹ.
Xem thêm video:
[mecloud]iv5t5UQqp1[/mecloud]
Lê Huyền (The Diplomat)