Tin mới

Trung Quốc “bội thu” sau 3 hội nghị thượng đỉnh

Thứ tư, 19/11/2014, 15:16 (GMT+7)

Sau APEC, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và G20, Trung Quốc nổi lên như một nhà lãnh đạo toàn cầu.

Sau APEC, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và G20, Trung Quốc nổi lên như một nhà lãnh đạo toàn cầu.

 

Trung Quốc đã sẵn sàng để đảm nhận vai trò lãnh đạo và chịu trách nhiệm toàn cầu cùng với Mỹ - điều này tốt cho tất cả mọi người.

Tháng 11 này được xem là một tháng rất bận rộn đối với Trung Quốc sau 3 cuộc họp đa phương rất quan trọng được tổ chức tại Trung Quốc (APEC), Myanmar (Thượng đỉnh Đông Á) và Australia (G20). Kết quả quan trọng nhất của 3 cuộc họp này đó là Trung Quốc đã nổi lên như một nhà lãnh đạo toàn cầu thật sự và nó có ý nghĩa lớn đối với Trung Quốc cũng như trật tự toàn cầu trong tương lai. Cụ thể hơn, Trung Quốc đã đạt được các mục tiêu kinh tế, ngoại giao và chiến lược cụ thể trong các lĩnh vực sau.

Đầu tiên, trong lĩnh vực ngoại giao, Trung Quốc đã ổn định được mối quan hệ với Nhật Bản sau “tình trạng đóng băng” kéo dài 2 năm. Mặc dù cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe tại APEC không hiệu quả như đã được tuyên bố nhưng ít nhất nó đã giúp cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản có mối quan hệ dễ thở hơn trong tương lai. Điều này rất quan trọng bởi Trung Quốc không đủ khả năng để đương đầu với cả 2 mối quan hệ Trung-Nhật, Trung-Mỹ đều tồi tệ. Riêng cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên khi đạt được một số thỏa thuận quan trọng. Đặc biệt là thỏa thuận visa (có vẻ nhỏ) lại có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho quan hệ Trung-Mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng để cho người dân 2 nước tương tác với nhau nhiều hơn sẽ dẫn tới sự hiểu biết lẫn nhau và nhận thức tốt hơn.

Trung Quốc đã đạt được các mục Tiêu Chiến lược của mình tại 3 hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tháng 11

Thứ hai và quan trọng hơn, về kinh tế, Trung Quốc kết thúc thành công Hiệp định Thương mại tự do với 2 nền kinh tế quan trọng (Hàn Quốc và Australia), tiếp tục thể hiện sự ảnh hưởng kinh tế của mình trên thế giới. Thỏa thuận FTA với Australia là đặc biệt quan trọng bởi Trung Quốc không chỉ nhập khẩu các nguồn tài nguyên và lương thực từ Australia mà còn sử dụng các dịch vụ chất lượng tốt như y tế, dịch vụ pháp lý… của nước này. Hơn nữa, thỏa thuận FTA với Australia có ý nghĩa chiến lược quan trọng vì nó đảm bảo với Australia rằng mục đích của Bắc Kinh không phải là bắt nước này phải lựa chọn giữa Trung Quốc hay Mỹ mà để cùng nhau đạt được hòa bình, thịnh vượng. Đây là một phần lý do tại sao Trung Quốc và Australia nâng cấp mối quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện” trong lần này.

Một sáng kiến được kỳ vọng rất nhiều là đề xuất “một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc công bố tại APEC. Đây là đề xuất có thể ảnh hưởng lâu dài tới châu Á và các khu vực khác. Ngoài ra, tầm nhìn của Trung Quốc đối với Khu vực Mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) đã được các thành viên APEC đón nhận mặc dù ban đầu bị Mỹ - chủ nhân của tổ chức đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phản đối. Một số xem FTAAP và TPP như đối thủ và thấy việc hỗ trợ FTAAP như chiến thắng lịch sử của Bắc Kinh mặc dù trong thực tế, cả hai không phỉa là đối thủ của nhau. Về nguyên tắc, Trung Quốc cũng có thể tham gia TPP khi điều kiện phù hợp.

Thứ ba và quan trọng nhất, Trung Quốc đã khiến thế giới ngạc nhiên khi đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Mỹ về biến đổi khí hậu đó là xác định thời gian cho việc giảm lượng chất thải. Cho đến nay, đây là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng để lãnh đạo thế giới bằng cách đóng góp vào tài sản chung của toàn cầu. Đương nhiên là thỏa thuận mang tính bước ngoặt này đã gây sức ép cho các quốc gia khác như Ấn Độ, buộc họ phải đưa ra kế hoạch riêng trong việc giảm lượng chất thải. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ thành lập Quỹ Hợp tác Nam-Nam để giúp đỡ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì với vai trò toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai? Thế giới cần sự lãnh đạo của Trung Quốc và một Trung Quốc quyết đoán hơn, tích cực hơn sẽ thực sự là điều tốt cho các quốc gia khác. Điều này chắc chắn không có nghĩa là Trung Quốc có thể một mình lãnh đạo thế giới. Bằng chứng là thỏa thuận biến đổi khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 nước sẽ cần phải cộng tác với nhau.

Tất nhiên, như một số người đã chỉ ra, lãnh đạo kinh tế là chưa đủ nếu Trung Quốc muốn trở thành một nhà lãnh đạo thế giới một cách toàn diện. Ví dụ, Trung Quốc không phải là một cường quốc theo chuẩn nhưng có dấu hiệu cho thấy ít nhất một vài học giả Trung Quốc đang xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Ví dụ như Yan Xuetong của ĐH Thanh Hoa gần đây đã đưa ra lý thuyết mới về “chủ nghĩa hiện thực đạo đức”, có thể tăng cường sức mạnh theo quy chuẩn của Trung Quốc. Cốt lõi trong lập luận của ông này là Trung Quốc nên và có thể thúc đẩy “công lý và bình đẳng” ở cấp độ toàn cầu và ý tưởng mới này có thể thách thức ý tưởng “tự do và dân chủ” do Mỹ thống trị.

Tóm lại, Trung Quốc đang cố chứng minh mình là một nhà lãnh đạo toàn cầu độc nhất vô nhị trong thời gian gần đây mặc dù để trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu toàn diện thì vẫn là cả chặng đường dài. Do đó, cộng đồng quốc tế nên hoan nghênh những nỗ lực đó của Trung Quốc hơn là nghi ngờ họ. Chỉ có cách cùng làm việc với nhau thì giấc mơ Trung Hoa và giấc mơ APEC mới trở thành hiện thực.

Bảo Linh (tin tức The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news