Tại lễ khai mạc hội nghị G20 đang tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước G20 hãy hành động chứ đừng để tất cả chỉ dừng lại ở các cuộc hội đàm.
Trong phát biểu khai mạc, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói ông hy vọng những phiên thảo luận tại hội nghị có thể hướng đến tìm ra con đường tăng trưởng mới cho nền kinh tế toàn cầu.
Ông Tập Cận Bình tại lễ khai mạc hội nghị G20. Ảnh: China Daily |
Qua đó, ông Tập nói hy vọng hội nghị ở Hàng Châu "sẽ đề ra giải pháp để xử lý những triệu chứng và nguyên tận gốc rễ của các vấn đề kinh tế thế giới".
Ông Tập Cận Bình nói cộng đồng quốc tế kỳ vọng cao rằng hội nghị G20 lần này sẽ đưa ra "liều thuốc" để đáp ứng tăng trưởng nhanh và bền vững, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại việc ở hội nghị thượng đỉnh G20 ở London hồi năm 2009, khi các nhà lãnh đạo đã đưa ra gói kích thích để giải quyết khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Và hi vọng rằng tại hội nghị lần này cũng sẽ đưa ra một động thái thiết thực tương tự.
Tuy nhiên theo Alan Wheatley, chuyên gia kinh tế quốc tế tại Viện Chatham (Anh) cho rằng việc kỳ vọng hội nghị ở Hàng Châu có thể đưa ra kết quả như hội nghị năm 2009 là quá lạc quan.
Theo ông, việc Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy "cải cách cơ cấu" là một phần trong Chính sách kinh tế mới diễn ra không đúng lúc, khi các nước không muốn chấp nhận "những tốn kém ngắn hạn" trong bối cảnh tăng trưởng yếu. "Thời điểm thực hiện cải cách cơ cấu là khi nền kinh tế toàn cầu đang mạnh, không phải như lúc này".
Trung Quốc đặt rất nhiều tham vọng chính trị vào hội nghị G20 lần này, nước này hy vọng sau hội nghị lần này sẽ giúp họ có bước tiến lớn trong quá trình "hóa rồng" của nước này với vị thế trên tầm quốc tế ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, hội nghị G20 khó có thể tạo ra được đột biến nào để có thể ghi dấu ấn cho chính nước chủ nhà Trung Quốc.
Quý Vũ