Hãng tin Kyodo (Nhật) dẫn lời một nguồn tin tháp tùng thủ tướng Nhật đi công du các nước châu Mỹ La Tinh tiết lộ, bản tuyên bố chung được cho là sẽ đề cập đến việc Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, cũng như việc nước này tăng cường đưa ra các tuyên bố chủ quyền ngang ngược tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tuyên bố cũng nêu rõ "cuộc xung đột ở Biển Đông nên được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế mà không cần sử dụng vũ lực hoặc đe dọa".
Tuyên bố cũng cho biết Nhật Bản và Brazil sẽ hợp tác trong nỗ lực cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tokyo đã giành thằng lợi trước Bắc Kinh trong cuộc đua "lấy lòng" Brazil
Ngoài ra, trong tuyên bố chung, nguyên thủ 2 nước được cho là cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do và an toàn lưu thông trên biển cũng như trong không phận quốc tế.
Trước đó, ông Abe đã ghé thăm Mexico, Trinidad và Tobago, Chile và dự kiến sẽ thăm Brazil vào hôm nay (31/7).
Trả lời trên tờ Thời báo Hoàn cầu, viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc Feng Zhao Kui cho rằng, Nhật Bản và Brazil được gắn bởi một lượng lớn người nhập cư Nhật Bản tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trước sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm 4 nước châu Mỹ La tinh hồi đầu tháng 7/2014, Tokyo cũng đang muốn mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực này.
Ông Abe có chuyến thăm đến Miexico trước khi đến Brazil
Nhật hiện đang tham gia “Nhóm 4 nước”, bao gồm Nhật, Brazil, Ấn Độ và Đức, mong muốn được trở thành thành viên thường trực của HĐBA LHQ. Hiện HĐBA có 5 thành viên thường trực, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Ông Abe và nữ tổng thống Brazil dự kiến cũng sẽ bàn về việc tổ chức các vòng đàm phán giữa lãnh đạo cấp cao và bộ trưởng ngoại giao 2 nước thường xuyên hơn và tăng cường thảo luận song phương về Chính sách an ninh và quốc phòng.
Brazil được cho là sẽ xem xét lại các lệnh cấm nhập thực phẩm Nhật Bản do lo ngại phóng xạ sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011.
Đáng chú ý, trước đó, ngày 17/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đến Brazil. Tại đây, ông Tập Cận Bình, đã đưa ra những món quà vô cùng hấp dẫn. Cụ thể, Trung Quốc ký liên tiếp gần 60 văn kiện hợp tác, đặc biệt nhấn mạnh về những vấn đề hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học ứng dụng… là những điểm mạnh của Brazil.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đến Brazil hôm 17/7 với những hứa hẹn hấp dẫn
Thậm Chí Trung Quốc còn cho Brazil thuê 2 giàn khoan nước sâu với giá hơn 1 tỷ USD. Hai giàn khoan trên do Nhà máy đóng tàu Lai Phúc Sĩ Yên Đài, thuộc tập đoàn Trung Tập của Trung Quốc chế tạo và sẽ được giao cho Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Brazil sử dụng.
Thời gian thuê giàn khoan thứ nhất là 8 năm. Giàn khoan này dài 105m, rộng 73,1m, có độ sâu khoan vuông góc lớn nhất là 7.500m, có sức chứa 148 người. Giàn khoan còn lại có thời hạn thuê là 4 năm.
Được biết, những năm trở lại đây, Trung Quốc đầu tư lớn vào lĩnh vực dầu khí của Brazil với loạt hợp đồng mà các tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc ký với đối tác Brazil. Không dừng ở đó, Trung Quốc còn liên kết với các công ty của Brazil để tham gia các lĩnh vực lọc dầu, sản xuất và phân phối các thiết bị kỹ thuật phục vụ thăm dò và khai thác dầu.
Sự bành trướng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực dầu khí khiến nhiều chuyên gia của Brazil lo ngại rằng nguồn tài nguyên quan trọng của nước này có thể sẽ dần cạn kiệt và gây khó khăn cho Brazil trong tương lai cho dù lợi nhuận trước mắt là cực kỳ lớn.
Việc cùng Nhật Bản ra tuyên bố chung phản đối Trung Quốc đã cho thấy rõ sự lựa chọn của Brazil trong cuộc chạy đua của hai cường quốc châu Á tại quốc gia Nam Mỹ này.
Yên Yên (Dịch/ Tổng hợp)