Một chuyên gia của Trung Quốc tuyên bố nước này đã hoàn thành cuộc khảo sát về trữ lượng hải sản ở khu vực giữa và Nam Biển Đông sau hai năm nghiên cứu.
Theo tin tức từ Tân Hoa xã ngày 23/2, ông Yang Beisheng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, thuộc Viện Khoa học Hải sản Trung Quốc cho biết, cuộc khảo sát cho thấy vùng biển quanh quần đảo Nam Sa (tên mà Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam), có 1,8 triệu tấn hải sản. Khoảng nửa triệu tấn trong số đó có thể khai thác được.
Hơn 20 loài cá ở vùng biển này thuộc dạng hiếm hoặc có giá trị kinh tế cao.
Tàu Nan Feng mà Trung Quốc sử dụng để khảo sát hải sản trên Biển Đông
Trữ lượng hải sản ở vùng nước gần mặt biển quanh quần đảo Trung Sa và Tây Sa, tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là từ 73 triệu đến 172 triệu tấn.
Viện Khoa học Hải sản Trung Quốc đã tiến hành 8 chuyến điều tra trái phép tương tự ở Biển Đông từ năm 2013 và sử dụng tàu khảo sát hải sản hiện đại đầu tiên do nước này tự đóng Nan Feng.
Biển Đông chiếm khoảng 1/10 sản lượng hải sản của thế giới, đóng vai trò chủ chốt trong ngành ngư nghiệp trị giá nhiều tỉ USD, và chính nguồn lợi thuỷ sản là nhân tố có tiềm năng châm ngòi cuộc xung đột khu vực do việc sử dụng hoạt động đánh bắt cá để khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, gồm cả những vùng biển của các láng giềng Đông Nam Á, và hàng năm áp đặt lệnh cấm đánh cá trái phép trong phạm vi lên tới hai phần ba diện tích vùng biển này.
Theo Yên Yên (Tân Hoa xã)