Tin mới

Tuấn Anh: Cậu bé mít ướt thành người hùng U19 Việt Nam

Chủ nhật, 05/10/2014, 11:21 (GMT+7)

Tuấn Anh khi vẫn chơi ở các giải thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Bình và Tuấn Anh khi thi đấu cho U19 Việt Nam là một sự khác biệt, nhưng không hẳn chỉ vì kỹ năng chơi bóng.

 

 

Tuấn Anh khi vẫn chơi ở các giải thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Bình và Tuấn Anh khi thi đấu cho U19 Việt Nam là một sự khác biệt, nhưng không hẳn chỉ vì kỹ năng chơi bóng.

 

Tiền vệ Tuấn Anh trong màu áo U19 Việt Nam.

Đến với bóng đá từ nhỏ và sớm bộc lộ tài năng từ các giải trẻ của bóng đá tỉnh Thái Bình cho đến toàn quốc, tiền vệ hào hoa của U19 Việt Nam dạo ấy nhanh chóng được tuyển chọn vào trung tâm huấn luyện thể thao của tỉnh khi mới 9-10 tuổi.

Ông Nguyễn Văn Dung, bố của tiền vệ Tuấn Anh kể lại: “Tuy cháu sớm bộc lộ tài năng và được tuyển chọn nhưng thú thật là gia đình cũng không thật sự mặn mà lắm vì theo nghiệp thể thao rất vất vả còn phong trào thể thao Thái Bình bao năm qua cũng khó có thể vươn đến đỉnh cao được”.

Xuất thân là một bác sĩ, lại đảm nhiệm cương vị Phó giám đốc Bệnh viên đa khoa Phụ Dực, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, ông Dung mong muốn Tuấn Anh sẽ theo con đường học hành giống như người chị gái Quỳnh Mai.

 

Tuấn Anh và bố khi còn nhỏ. Ảnh: NVCC

Chính bản thân Tuấn Anh thời điểm đó tuy đam mê bóng đá nhưng cũng không sẵn sàng xa bố mẹ và gia đình. Ông Nguyễn Văn Dung nhắc lại kỷ niệm nhiều hôm đến trung tâm thăm con, thấy con khổ là ông lại xin cho Tuấn Anh về nhà mấy ngày để chăm sóc.

Năm 2007, khi Tuấn Anh trúng tuyển vào Học viện HAGL Arsenal JMG cũng là thời điểm gia đình của tiền vệ U19 Việt Nam đã phải cân nhắc rất nhiều để đưa ra quyết định. Ông Nguyễn Văn Dung tâm sự: “Tôi và vợ đã phải cất công vào tận nơi để tìm hiểu. Tuy Học viện HAGL Arsenal thuyết phục chúng tôi về tính chuyên nghiệp, hiện đại, nhưng tôi vẫn thấy lo vì Tuấn Anh sống rất tình cảm, quấn quýt với bố mẹ và chị gái, không biết có chịu nổi khi phải xa gia đình lúc mới chỉ 11, 12 tuổi như vậy”.

 

Từ cậu bé mít ướt ngày nào, Tuấn Anh giờ đã trở thành trụ cột của U19 Việt Nam. Ảnh: NVCC

Một, hai năm đầu tiên sau khi Tuấn Anh xa gia đình cũng là quãng thời gian bố mẹ anh liên tục vào thăm để động viên con trai. Ông Dung nhớ lại một kỷ niệm: “Có lần 2 vợ chồng đi công chuyện tại TP.HCM, xong việc tranh thủ lên Gia Lai thăm con. Đến lúc chia tay, tôi và vợ cố kìm nén nỗi nhớ nhưng cháu thì bật khóc. Thế là cả nhà cùng ứa nước mắt vì thương nhau”.

 

Ngược lại quãng thời gian đó, chính bố mẹ của Tuấn Anh cũng khó hình dung ra cậu con trai chững chạc cả trong lẫn ngoài sân cỏ ngày hôm nay. Sau 7 năm xa gia đình rèn luyện, từ một cậu bé “mít ướt” Tuấn Anh giờ đã rắn rỏi hơn nhiều.

 

“Tuấn Anh vẫn tình cảm với gia đình vậy thôi nhưng cháu ít nói hơn về mình, nhiều lúc đi thi đấu hay làm gì tôi hỏi có cần bố đưa đón cháu đều nói không cần. Thỉnh thoảng dính chấn thương cháu cũng giấu để bố mẹ khỏi lo lắng. Dạo thi đấu bên Brunei nhìn thấy Tuấn Anh liên tục bị chơi xấu tôi chỉ lo chấn thương đầu gối của cháu tái phát, điện thoại về cháu chỉ cười bảo là từ giờ con đá nhanh hơn không ham rê dắt nữa nên bố mẹ cứ yên tâm.”, ông Nguyễn Văn Dung chia sẻ.

 

Bố mẹ và chị gái của chàng tiền vệ hào hoa. Ảnh: NVCC

Hạnh phúc khi được chứng kiến những màn thể hiện của con trên sân cỏ nhưng tấm lòng người làm cha làm mẹ còn cảm thấy mãn nguyện hơn nhiều vì cậu con trai ngày một trưởng thành, chững chạc hơn.

Một chi tiết có thể nhiều người không để ý, sau thất bại trước U19 Nhật Bản trong trận chung kết giải U19 ĐNA ở Mỹ Đình, trong khi các đồng đội người khóc, người nằm vật xuống sân, Tuấn Anh lặng lẽ nuốt vào bên trong nỗi thất bại. Tiền vệ hào hoa của U19 Việt Nam tiến tới động viên đồng đội và bắt tay chúc mừng các cầu thủ U19 Nhật Bản.

Đó không hề là biểu hiện của sự thất vọng hay cam chịu, trái lại đấy là cảm giác chấp nhận, thanh thản sau khi đã dốc hết sức lực và tôn trọng đối thủ cũng là cách tôn trọng chính mình.

Cũng từ lâu rồi chàng tiền vệ hào hoa của U19 Việt Nam không còn “mít ướt” nữa dù có thời điểm anh trải qua những tháng ngày đen tối trong sự nghiệp như khi phải phẫu thuật dây chằng chéo trước đầu gối cuối năm 2012. Tuấn Anh giờ là đội phó của U19 VN và tất nhiên vinh dự ấy không dễ thuộc về một chàng trai yếu đuối.

 

Khoảnh khắc Tuấn Anh ăn mừng sau siêu phẩm vào lưới U19 Myanmar ở trận bán kết U19 ĐNA.

Thế nên ngay cả khi U19 Việt Nam một lần nữa đã thất bại thì trong mắt tất cả, Tuấn Anh cùng đồng đội vẫn là những người hùng. Khoảnh khắc Tuấn Anh “vẽ” nên siêu phẩm trên sân Mỹ Đình vào lưới Myanmar ở trận bán kết vẫn sẽ được khắc ghi.

Người ta lớn hơn sau mỗi chặng đường và trưởng thành hơn sau mỗi thất bại, trước mắt Tuấn Anh cùng các đồng đội ở U19 Việt Nam lúc này là một thử thách nữa, khó khăn hơn rất nhiều tại Vòng chung kết U19 châu Á. Bóng đá có thắng có thua, nhưng điều người hâm mộ chờ đợi là những người hùng của họ sẽ vẫn sắm vai người hùng.   

Theo Hoàng Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news