Highlight Oman vs Việt Nam:
Sau “Thế hệ vàng” là gì?
So với lứa Công Phượng, Quang Hải giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018, hay thế hệ Tiến Linh, Hoàng Đức vô địch SEA Games 2019, lứa U23 Việt Nam hiện tại có một khoảng cách không nhỏ. Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân, Đặng Văn Tới, Nguyễn Hai Long, Dụng Quang Nho được chơi bóng tại V.League. Nhâm Mạnh Dũng, Nguyễn Hữu Thắng góp mặt ở nhiều cấp độ trẻ nhưng không ai trong số đó thực sự nổi bật.
Sau thời gian 3 năm bóng đá Việt Nam thăng hoa với sức trẻ, lứa U23 mới đang bị đặt dưới một cái bóng quá lớn, một áp lực vô hình từ 2 lứa đàn anh. U23 Việt Nam hiện tài dù không nhận được nhiều kỳ vọng và quan tâm như trước, nhưng gánh trên vai trách nhiệm lớn không kém lứa tiền nhiệm.
“Thế hệ vàng” là một khái niệm không quá rõ ràng nhưng lại rất dễ hình dung. Trong lịch sử hiện đại của bóng đá Việt Nam, tính từ ngày bắt đầu hội nhập với khu vực và quốc tế tại SEA Games 1991 đến nay, trải qua 30 năm thăng trầm, chúng ta được công nhận có 3 “thế hệ vàng” từng xuất hiện: thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức năm 1998, thế hệ Công Vinh, Minh Phương năm 2008 và thế hệ Công Phượng, Quang Hải năm 2018.
Như vậy tính trung bình là cứ 10 năm chúng ta lại mới có một lứa cầu thủ thực sự xuất sắc kế thừa và phát huy được những di sản của các đàn anh để lại. Điều đó đồng nghĩa với việc, người hâm mộ cần hiểu rằng thực tế phải nhiều năm nữa chúng ta mới lại sản sinh ra lớp kế cận tài hoa như thế hệ 1995-1997 hiện đang tỏa sáng và nâng tầm bóng đá Việt Nam.
Ngay cả những nền bóng đá hàng đầu thế giới cũng phải mất tới hàng thập niên mới có được một thế hệ vàng của mình, bất kể đó là Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, hay Argentina, Brazil. Không nói đâu xa, bóng đá Thái Lan từ sau lứa tài năng cũng từng dự vòng loại thứ 3 World Cup 2018 là Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan hay Teerasin Dangda, cũng chưa thực sự có một lớp kế cận đủ sức thay thế.
Mục tiêu cho lứa U23 hiện tại?
Nói rằng mục tiêu cho lứa U23 hiện tại trong 5 năm tới là VCK World Cup 2026 với 48 suất tham dự, nghe chừng hơi gượng ép. Vì mục tiêu lớn như vậy thuộc về trách nhiệm của cả một nền bóng đá chứ không phải chỉ đặt lên vai một lứa cầu thủ. Đến thời điểm đó, còn có rất nhiều ngôi sao của đội hình vô địch SEA Games 2019, như Quang Hải, Tiến Linh, Hoàng Đức, Thành Chung, Đình Trọng... bước sang tuổi 28, 29, tức là vẫn còn đang rất sung sức ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp.
Mục tiêu thực tế nhất cho lứa U23 hiện tại với thầy Park Hang seo, đơn giản là đi tìm tính kế thừa, duy trì thành tích tốt tại các giải tầm cỡ châu lục, để tạo đà cho các thế hệ tiếp theo, và tìm ra những nhân tố mới bổ sung cho ĐTQG. Khi mà việc tham gia và tranh đấu tốt với các đối thủ châu lục trở thành thói quen, điều đó sẽ tạo tiền đề tuyệt vời cả về vị thế (cơ hội bốc thăm ở vị trí tốt), lẫn đem lại giấc mơ cho các tài năng trẻ tương lai.
So với các vòng loại trước đây, vòng loại U23 châu Á 2022 có lẽ là chiến dịch dễ thở nhất trong sự nghiệp ở Việt Nam của thầy Park. U23 Việt Nam nằm ở bảng 3 đội, với 2 đối thủ dưới cơ hoàn toàn là U23 Đài Loan (Trung Quốc) và U23 Myanmar. Vì thế kể cả khi thắng dễ 2 trận và đi tiếp, đó cũng không phải thước đo đánh giá đúng trình độ lứa U23 HLV Park đang có. Tuy nhiên, VCK U23 châu Á vào năm sau sẽ là một ngọn núi rất cao trước mặt.
Lửa thử vàng
Ở bóng đá châu Âu, cấp độ trẻ cuối cùng tại các giải đấu châu lục của họ là U21 chứ không phải U23. Thực tế cho thấy khi các cầu thủ tuổi 21 đã chơi nổi bật hơn so với đồng đội cùng trang lứa thì họ hầu như ít khi được gọi lại các đội trẻ nữa mà bắt đầu được nhận những vai trò quan trọng tại các CLB và kể cả là ĐTQG từ khá sớm. Sự khác biệt của họ nằm ở việc tuyển lựa tài năng từ rất sớm, và cho họ thật nhiều cơ hội thi đấu và trưởng thành.
Điều tương tự có thể xảy ra với các “măng non” mới 18 19 tuổi phụ thuộc vào năng lực của họ. Erling Haaland hay Kylian Mbappe, hay Pedri là những ví dụ điển hình. Haaland sau trận đấu ghi tới 9 bàn vào lưới của U20 Honduras tại VCK U20 World Cup 2019, đã đi thẳng lên ĐTQG và được Dortmund mua lại sau đó không lâu từ CLB RB Salzburg, để giờ đây đã trở thành tiền đạo hàng đầu châu Âu ở tuổi 21.
Pedri mới 19 tuổi cũng đã là trụ cột không thể thay thế tại CLB hàng đầu Barcelona cũng như ĐT Tây Ban Nha, và giúp họ tiến rất sâu tại 2 giải đấu lớn gần đây là EURO 2020 và Olympic Tokyo 2020. Mbappe ở tuổi 23 không còn được gọi là sao trẻ hay tài năng trẻ nữa, mà đã là cầu thủ đẳng cấp thế giới sau khi tỏa sáng và thăng tiến liên tục từ năm 19 tuổi đến nay.
Ngoại trừ dàn cầu thủ CLB Hà Nội với Văn Xuân, Việt Anh, Văn Tới, Quan Văn Chuẩn, Hai Long luôn có cơ hội thi đấu tại V.League, cùng Hữu Thắng, Mạnh Dũng, Nguyễn Thanh Bình, hầu hết những cái tên khác đều ít khi được trao cơ hội tại CLB. Đáng tiếc hơn, trong suốt 2 năm qua chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu như các cầu thủ trẻ tại cả cấp CLB và ĐT trẻ, đều không có nhiều cơ hội để thực sự thi đấu và tranh đấu, từ đó trưởng thành nhanh hơn.
Việc V.League bị hoãn, hủy liên tục, SEA Games bị lùi lịch, các trận đấu quốc tế hầu như không thể tổ chức, tất cả đều là những yếu tố khách quan trong tình hình đại dịch ảnh hưởng chung đến toàn thế giới. Hiện tại, U23 Việt Nam cần nhất là những trải nghiệm, va chạm để trưởng thành. Rồi sau đó, chúng ta mới có được đánh giá công tâm nhất, về lứa tài năng tiếp theo của bóng đá Việt Nam.