Coulrophobia - hội chứng sợ chú hề hoàn toàn không phải là một câu chuyện đùa. Nỗi sợ hãi phi lý này đối với chú hề có thể khiến một số người rơi vào trạng thái hoảng loạn, buồn nôn, thậm chí là ngất xỉu.
Nguyên nhân của hội chứng Coulrophobi đến từ đâu? Câu trả lời một phần nằm ở sự phổ biến của những chú hề độc ác trong văn hóa đại chúng - có thể kể đến Pennywise trong tác phẩm nổi tiếng "IT" (1986) của Stephen King. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, có những lý do tâm lý thực tế khiến chúng ta sợ chú hề.
Đầu tiên, cách trang điểm của chú hề có thể khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Lớp mặt nạ không chỉ che giấu danh tính mà còn cả cảm xúc của chú hề, tạo cảm giác không an toàn cho người đối diện. Không những vậy, việc trang điểm có thể gây ra những hiểu lầm, chẳng hạn như chú hề có nụ cười được tô vẽ nhưng lại cau mày.
Cách trang điểm của chú hề cũng khá ảnh hưởng tới tâm lý. Đôi môi và lông mày quá khổ làm biến dạng khuôn mặt, khiến não bộ người đối diện cảm nhận họ là con người nhưng "lệch chuẩn", gây ra cảm xúc kỳ lạ, sự kỳ lạ đó càng tăng thêm nhờ bộ trang phục kỳ quái của chú hề.
Ngoài ra, những chú hề có hành động rất khó đoán, có phần tinh nghịch, khiến mọi người cảm thấy khó chịu. Khó có thể đoán được họ sẽ phun nước vào bạn hay tặng bạn một bông hoa.
Những khó chịu về mặt tâm lý này tạo ra nỗi sợ hãi, sau đó được khơi dậy bởi những miêu tả tiêu cực về những chú hề trong văn hóa đại chúng. Nhiều người cho rằng, kẻ giết người hàng loạt người Mỹ John Wayne Gacy những năm 1970 - người đã đóng vai Chú hề Pogo tại các sự kiện Từ thiện và các bữa tiệc dành cho trẻ em - đã củng cố ý tưởng về chú hề độc ác, từ đó chú hề đã trở nên phổ biến trong các bộ phim và sách kinh dị.
Vì vậy, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi một cuộc thăm dò năm 2016 cho thấy người Mỹ sợ những chú hề hơn là sợ một cuộc tấn công khủng bố hoặc thậm chí là sợ chết.