Hai công dân Mỹ mới được Triều Tiên thả tự do là Kenneth Bae (42 tuổi) và Matthew Todd Miller (24 tuổi)đã đáp máy bay trở về nhà trong vòng tay chào đón của gia đình hôm 8/11 sau nhiệm vụ bí mật của một quan chức cấp cao Mỹ.
Đích thân Giám đốc tình báo quốc gia James Clapper với tư cách là phái viên của Tổng thống Obama đã đến Bình Nhưỡng thương lượng với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Clapper chuyển đến chính quyền Triều Tiên lá thư ông Obama viết cho lãnh đạo Kim Jong-un. Trong thư, ông Obama gọi ông Clapper là "đặc phái viên cá nhân của mình" để xúc tiến việc đưa công dân Mỹ về nước. Lá thư này "ngắn và đi thẳng vào vấn đề", một quan chức cho biết.
Theo hai nguồn thạo tin, chuyến thăm của Clapper diễn ra sau khi Triều Tiên bất ngờ liên lạc với Mỹ, thúc giục Washington gửi một quan chức chính phủ cấp cao đến nước này để thảo luận về những công dân Mỹ bị giam giữ.
Kenneth Bae (trái) và Matthew Todd Miller (phải), hai công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do
Vài giờ trước khi bắt đầu lên đường thực hiện chuyến thăm châu Á, Tổng thống Obama đã hoan nghênh vụ phóng thích tù nhân và ca ngợi vai trò của ông Clapper trong nhiệm vụ. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington không thực hiện bất kỳ giao dịch nào để đổi lấy sự tự do cho hai công dân nói trên.
Vụ phóng thích này diễn ra chưa đầy ba tuần sau khi Bình Nhưỡng trả tự do cho một người Mỹ khác. Trước đó, Washington liên tục kêu gọi trả tự do cho hai người này vì lý do nhân đạo, đặc biệt là do tình trạng sức khỏe của Kenneth Bae.
CNN cho biết, mới đây phía Bình Nhưỡng cho biết đã nhận được “lời xin lỗi tha thiết” của ông Obama về hành động của hai tù nhân. Cũng theo thông báo của Triều Tiên, đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký lệnh thả hai công dân Mỹ.
Kenneth Bae, một nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn bị bắt ngày 3/11/2012 và bị kết án 15 năm cải tạo lao động khổ sai vì tội "âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên". Matthew Todd Miller, 24 tuổi, bị bắt ngày 10/4 và bị xử cải tạo sáu năm vì "có hành vi thù địch với Bình Nhưỡng".
Vài ngày trước, Liên minh châu Âu và Nhật trình lên một ủy ban Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa chính quyền Bình Nhưỡng ra Tòa án hình sự quốc tế vì phạm tội ác chiến tranh.
AFP dẫn lời giáo sư Yang Moo Jin thuộc ĐH Nghiên cứu CHDCND Triều Tiên nhận định việc Bình Nhưỡng trả tự do cho Bae và Miller cho thấy chính quyền ông Kim Jong-un thật sự lo ngại nguy cơ này.
Một số nhà quan sát cũng cho rằng theo quan điểm của Triều Tiên, đây là “món quà” dành cho Mỹ để mở ra cánh cửa đối thoại trực tiếp giữa hai bên.
Giáo sư Koh Yoo Hwan thuộc ĐH Dongguk ở Seoul nhận định nhiều khả năng ông Clapper đã thảo luận với các quan chức CHDCND Triều Tiên về nhiều chủ đề khác ngoài việc trả tự do cho hai tù nhân.
Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng cần có hành động cụ thể để giải trừ hạt nhân trước khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán.
Victor Cha, một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, việc phóng thích hai tù nhân này cho thấy Triều Tiên muốn "nhắc khéo" Tổng thống Obama ngay trước khi ông lên đường tới Bắc Kinh tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, đồng thời, động thái này cho thấy Bình Nhưỡng cũng đã cảm nhận được "sức nóng quốc tế từ các nghị quyết của Liên hợp quốc".
"Đây thực sự là điều đáng lo ngại đối với họ (Triều Tiên). Họ chưa từng thấy bất cứ điều tương tự nào trước đó bởi áp lực không chỉ đến từ Mỹ mà từ toàn thể cộng đồng quốc tế. Triều Tiên đang cố gắng đẩy lùi những chỉ trích và có lẽ đang xuống nước để giải quyết những hành động này", ông Cha cho biết.
Theo Yên Yên (Reuters)/ Người đưa tin