Các nhà điều tra Hà Lan tuyên bố sẽ "xem xét nghiêm túc" cáo buộc của các nhà báo nghiệp dư cho rằng một nhóm binh sĩ Nga có liên quan đến vụ máy bay chở khách MH17 bị bắn hạ ở miền đông Ukraine hồi tháng 2/2014.
NDTV đưa tin, năm 2014, Bellingcat, nhóm phóng viên điều tra nghiệp dư có trụ sở tại Anh, từng đưa tin rằng, chỉ ít phút trước khi xảy ra vụ máy bay rơi, một bệ phóng di động tên lửa BUK được nhìn thấy vào ngày 17/7, tại khu vực phiến quân thân Nga kiểm soát ở Ukraine.
Theo nhóm phóng viên này, tên lửa thuộc một đoàn xe quân sự của lữ đoàn phòng không 53 Nga - đơn vị đóng tại Kursk, phía tây Nga. Bệ phóng sau đó được ghi hình một lần nữa, nhưng ít nhất một tên lửa đã biến mất.
Đến ngày 3/1/2015, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Hà Lan NOS, người sáng lập Bellingcat, Eliot Higgins cho biết, nhóm đã xác định được danh tính 20 lính Nga trong lữ đoàn này. Đây "có thể" là nhóm biết ai là người bắn hoặc có cá nhân đã bắn máy bay MH17, Higgins nói.
Hiện trường vụ máy bay MH17 bị bắn hạ ở miền đông Ukraine khiến 298 người thiệt mạng. Ảnh: AP |
Theo kênh truyền hình NOS của Hà Lan, nguồn thông tin trên của Bellingcat được thu thập được từ những bức ảnh đăng tải trên mạng và dữ liệu quân sự trực tuyến về việc triển khai nhân sự.
NOS cũng cho biết, một bản báo cáo trước đây được giữ kín cũng sẽ được công bố trong thời gian sắp tới.
Wim de Bruin, phát ngôn viên của văn phòng công tố viên Hà Lan nói: "Chúng tôi đã nhận được báo cáo ngay sau lễ Giáng sinh và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, xác định xem liệu nó có thể được sử dụng cho điều tra hình sự hay không".
Ông de Bruin cũng lưu ý rằng các công tố viên Hà Lan từng tiếp xúc với nhóm phóng viên Bellingcat.
Trong buổi tuyên bố kết quả điều tra vụ máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ khiến 298 người thiệt mạng, các nhà điều tra nói rằng phi cơ bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không BUK.
Phương Tây và Ukraine nói rằng tên lửa được bắn đi từ khu vực phe ly khai thân Nga kiểm soát, nhưng Moscow bác bỏ cáo buộc và cho rằng quân đội Ukraine đứng sau vụ việc. Hiện nay, Viện Kiểm sát Hà Lan đang cố gắng tìm ra các thủ phạm đã gây ra thảm họa làm 298 người thiệt mạng, trong đó đến hai phần ba là công dân Hà Lan.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại khó có khả năng bắt giữ được hoặc truy tố các thủ phạm đã bắn đi hỏa tiễn BUK khiến những người vô tội phải chết oan.
Lê Huyền (tổng hợp)