Công dụng glucosamine rất phong phú, bên cạnh việc hỗ trợ cho sức khỏe của khớp. Bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn những thông tin cơ bản về hợp chất này.
Glucosamine là gì?
Glucosamine là một hợp chất xuất hiện tự nhiên trong cơ thể bạn. Về mặt hóa học, nó được phân loại là đường amin.
Nó đóng vai trò như một khối xây dựng cho nhiều loại phân tử chức năng trong cơ thể bạn. Vai trò được biết đến nhiều nhất của glucosamine chính là phát triển và duy trì sụn trong khớp.
Glucosamin cũng được tìm thấy trong mô của động vật như của động vật có vỏ, xương động vật và nấm. Các dạng glucosamine bổ sung thường được làm từ những nguồn tự nhiên này.
Việc bổ sung glucosamin thường được dùng để điều trị và ngăn ngừa các rối loạn khớp như viêm xương khớp. Bạn có thể uống hoặc bôi kem tại chỗ.
Công dụng glucosamine
1. Có thể giảm viêm
Glucosamine thường được sử dụng như một chất bổ sung để điều trị các triệu chứng viêm khác nhau. Mặc dù cơ chế hoạt động của glucosamine chưa được hiểu rõ nhưng nó dễ dàng giảm viêm. Ngoài ra, glucosamine còn có tác dụng giảm nguy cơ phát triển những bệnh do viêm trung gian, chẳng hạn bệnh tiểu đường type 2.
2. Hỗ trợ khớp khỏe mạnh
Glucosamine tồn tại sẵn trong cơ thể bạn. Một trong những vai trò chính của nó là hỗ trợ sụn khớp phát triển khỏe mạnh. Cùng với chất lỏng bôi trơn (chất lỏng hoạt dịch), sụn khớp giảm thiểu ma sát, cho phép xương di chuyển tự do và không đau. Người ta cho rằng glucosamine thúc đẩy tạo ra các hợp chất hóa học nhất định, trong đó có collagen, một thành phần cấu trúc quan trọng của sụn khớp và dịch khớp.
Một nghiên cứu chỉ ra bổ sung glucosamine có thể bảo vệ mô khớp bằng cách ngăn ngừa phân hủy sụn, đặc biệt ở các VĐV.
3. Thường được sử dụng để điều trị các rối loạn về xương khớp
Thuốc bổ sung glucosamine thường được dùng để điều trị các bệnh về xương, khớp. Hầu hết các nghiên cứu khoa học về glucosamine đều tập trung vào việc sử dụng dạng glucosamine sulfate. Phân tử này được nghiên cứu kỹ về khả năng điều trị các bệnh, sự tiến triển của bệnh liên quan đến viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và loãng xương.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung glucosamine sulfate hàng ngày có thể điều trị hiệu quả, lâu dài cho bệnh viêm khớp. Nó giảm đáng kể cơn đau, giúp duy trì không gian khớp và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
4. Trị viêm bàng quang kẽ
Glucosamine được quảng cáo rộng rãi là một phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ, với các triệu chứng như tiểu thường xuyên, đau bàng quang. Người bệnh này bị thiếu hụt một hợp chất gọi là glycosaminoglycan. Bởi vì cơ thể của bạn chuyển đổi glucosamine thành glycosaminoglycan. Người ta suy đoán bổ sung glucosamine có thể giúp kiểm soát viêm bàng quang kẽ.
5. Hỗ trợ trị bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột là bệnh viêm mãn tính đường ruột với những triệu chứng như đầy hơi, co thắt dạ dày, tiêu chảy. Giống nwh viêm bàng quang kẽ, bệnh này liên quan đến thiếu hụt glycosaminoglycan. Một nghiên cứu chỉ ra bổ sung glucosamine có thể làm giảm viêm.
6. Hỗ trợ trị đa xơ cứng
Đa xơ cứng là một tình trạng mãn tính, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của bạn. Các triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, run, khó đi lại, nói và nhìn. Một số người tin rằng glucosamine là một phương pháp điều trị hiệu quả bệnh đa xơ cứng.
7. Hỗ trợ trị tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp có thể gây mất thị lực, thậm chí là mù lòa. Một số người tin rằng glucosamine hỗ trợ điều trị tăng nhãn áp. nghiên cứu trên chuột chỉ ra glucosamine sulfate có thể thúc đẩy giảm viêm, tăng chống oxy hóa ở võng mạc, tăng cường sức khỏe cho mắt.
8. Rối loạn khớp thái dương hàm
Một số nguồn cho rằng glucosamine là một liệu pháp hiệu quả trị chứng rối loạn khớp thái dương hàm. Đây là căn bệnh gây đau hàm, khóa khớp hàm.
Mặc dù có nhiều tuyên bố đưa ra về tác dụng tích cực của glucosamine với nhiều căn bệnh nhưng các nghiên cứu hiện chỉ nằm trong phạm vi hẹp. Bằng chứng rõ ràng nhất ủng hộ sử dụng glucosamine sulfate để điều trị lâu dài các triệu chứng viêm khớp.
Liều lượng và dạng bổ sung
Liều lượng glucosamine điển hình là 1.500–3.000 mg mỗi ngày, bạn có thể dùng một lúc hoặc nhiều lần với liều lượng nhỏ hơn.
Chất bổ sung glucosamine được lấy từ các nguồn tự nhiên như vỏ độc vật, nấm hoặc sản xuất nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Có 3 dạng glucosamine là:
- glucosamine sulfate
- glucosamine hydrochloride
- N-Acetyl glucosamine
Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra glucosamine có hiệu quả cải thiện bệnh xương khớp ở dạng glucosamine sulfate.
Tác dụng phụ của glucosamine
Chất bổ sung glucosamine có thể an toàn với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro đáng lưu ý. Những phản ứng phụ gồm: buồn nôn, nôn mửa, bị tiêu chảy, ợ nóng, đau bụng.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên dùng glucosamine vì thiếu bằng chứng về tính an toàn của nó.
Glucosamine có tác dụng hạ đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, nếu bạn đang dùng thuốc trị tiểu đường thì cần nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng glucosamine.
Glucosamine có thể làm tăng nhãn áp, do đó, người có nguy cơ mắc bệnh này không nên dùng.
(Theo Healthline)
>> Xem thêm: Loạt Công dụng vitamin D khiến bạn không còn e ngại ánh nắng mặt trời