Theo New York Post, mới đây, một người đàn ông phải nhập viện cấp cứu với vết phát ban đau đớn lan khắp lưng sau khi ăn một loại nấm ăn rất thông thường. Tạp chí Y học New England mô tả về trường hợp đặc biệt này trong bài đăng vào ngày 12/10. Theo đó, người đàn ông 72 tuổi giấu tên tự tay chuẩn bị và ăn đồ ăn có nấm hương (Lentinula edodes, Shiitake mushrooms).
Sau hai ngày, người đàn ông bị nổi mẩn đỏ khắp lưng, ngứa ngáy đến mức không thể ngủ được. Khi đến bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ khám ở lưng và phát hiện bệnh nhân những vệt đỏ lớn sưng tấy trông như thể bị ai đó dùng roi quất ngang lưng và phía trên mông. Những bức ảnh kèm theo cho thấy lưng và mông của bệnh nhân có những vết hằn dài màu đỏ như thể bị đi đó đánh mạnh.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu đã loại trừ khả năng bệnh nhân mắc bệnh da liễu, một tình trạng gây ra các vết nổi lên trên da. Các bác sĩ cũng không thấy dấu hiệu nào cho thấy các hạch bạch huyết của bệnh nhân bị sưng lên, điều này có thể cho thấy người bệnh bị nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn. Tình trạng này kéo dài hai ngày đã bắt đầu ảnh hưởng đến các mô khác của cơ thể.
Sau khi hỏi han tình trạng của bệnh nhân, người này mới cho biết, anh đã ăn nấm hương (Shiitake mushrooms). Theo các ý bác sĩ, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh “viêm da nấm hương” do ăn nấm sống hoặc nấm nấu chưa chín.
Theo Livescience, bệnh viêm da nấm hương phổ biến nhất ở châu Á, nơi người dân thường xuyên có thói quen ăn nấm. Căn bệnh lần đầu tiên được ghi nhận ở Nhật Bản vào năm 1977. Tuy nhiên, các trường hợp khác cũng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới chẳng hạn như ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Người bị viêm da nấm hương có các nốt phát ban đỏ. Trong bệnh viêm da nấm hương, các vết phát ban xuất hiện do một loại carbohydrate trong nấm có tên là lentinan. Carb này kích hoạt giải phóng các chất hóa học, chẳng hạn như interleukin-1, gây viêm. Điều này làm cho các mạch máu của bệnh nhân giãn ra hoặc phát ban đặc trưng, thường là hai đến ba ngày sau khi một người ăn nấm. Ngoài cơ thể xuất hiện những vết phát ban đỏ, bệnh nhân bị viêm da nấm hương cũng có nhiều triệu chứng khác như sưng, sốt, tiêu chảy, ngứa ran ở môi và tay/chân cũng như rơi vào trạng thái khó ăn uống.
Lentinan bị phân hủy khi đun nóng, đó là lý do tại sao phản ứng này chỉ xảy ra khi người ta ăn nấm hương sống hoặc nấu chưa chín.
Eglė Janušonytė bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Đại học Geneva ở Thụy Sĩ, cho biết: “Viêm da nấm hương sẽ không xảy ra khi nấm được nấu chín kỹ ở nhiệt độ trên 145 độ C".
Thông thường, viêm da nấm hương sẽ tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng bệnh nhân có thể được dùng thuốc chống viêm để điều trị các triệu chứng. Trong trường hợp này, bệnh nhân 72 tuổi được kê đơn thuốc steroid để bôi lên lưng cũng như thuốc kháng histamine để uống. Sau hai tuần, lưng của người bệnh sẽ bớt ngứa hơn nhưng vẫn còn những mảng sẫm màu hơn trên da - điều này thường xảy ra sau khi tình trạng viêm trên da giảm bớt.
Các bác sĩ cũng cảnh báo những người thích ăn nấm nên “nấu chín hoàn toàn nấm hương" để không mắc phải căn bệnh giống người đàn ông 72 tuổi trên.