Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào 13 giờ trưa nay (30/7), trung tâm vùng áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 31/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên ở Biển Đông có mưa dông mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2,0-3,5m, biển động. Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao 2-4 mét.
>> Xem thêm: Chuyên gia nhận định nguyên nhân khiến thời tiết xảy ra nắng nóng kỷ lục
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 1/8, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo đường đi của vùng áp thấp. Ảnh Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện vùng áp thấp mới vào Biển Đông, chưa mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên vẫn còn diễn biến khó lường. Các chuyên gia dự báo kịch bản xấu nhất là vùng thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Bắc nước ta, gây mưa lớn ở khắp Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ từ đêm 31/7 đến 5/8.
Ngoài ra, không loại trừ kịch bản, vùng áp thấp tiếp tục mạnh lên và đi về phía Trung Quốc. Với kịch bản này, mưa tập trung chính ở Trung Bộ còn Bắc Bộ, cường độ mưa sẽ nhỏ hơn kịch bản trên. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ liên tục cập nhật các diễn biến mới nhất về vùng áp thấp.
Theo Tuổi trẻ, ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định xu thế thời tiết, thiên tai và diễn biến bão lũ năm 2020 sẽ diễn ra phức tạp, bão sẽ diễn ra nhiều vào cuối năm.
"Từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 9-11 cơn bão, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 mưa nhiều trên cả nước, đặc biệt là Bắc Bộ.
Đầu tháng 8, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông gây mưa kéo dài trên diện rộng, đặc biệt khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế mưa có thể kéo dài 2-3 ngày, Bắc Bộ 3-4 ngày, đây là đợt mưa kéo dài nhất từ đầu năm tới nay.
>> Xem thêm: Thời tiết nửa cuối năm 2020 có nhiều bất thường, cảnh báo những cơn bão cường độ mạnh
Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 8-2020 ở khu vực Bắc, Trung Trung Bộ và đầu tháng 8-2020 ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng không gay gắt" - ông Lâm thông tin.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn quốc gia, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong nửa cuối năm 2020.
Có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.