Trong bài xã luận đăng tải hôm 14/8, tờ La Stampa của Italy nhận định Chính sách của Nga đối với Ukraine, hành động ở Syria và nỗ lực hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong tham vọng của ông Putin, nhằm thiết lập trật tự quốc tế mới và làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Internet |
Với nhan đề "Cuộc chơi lớn của ông Putin trên ba mặt trận", tác giả Maurizio Molinari của bài báo cho rằng ông Putin đang thực hiện tham vọng này đồng thời trên ba mặt trận.
"Ở Ukraine, ông Putin muốn làm suy yếu uy tín của Washington với tư cách là người bảo lãnh cho các quốc gia Đông Âu. Tại Syria, ông thể hiện khả năng chiến đấu cao hơn cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến (khủng bố), so với liên quân chống khủng bố của hơn 60 quốc gia do Mỹ cầm đầu. Tại Thổ Nhĩ Kỳ ông nhằm mục tiêu gây chia rẽ quan hệ Ankara - NATO", bài báo phân tích.
Trên mặt trận Ukraine, Nga đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 đến bán đảo Crimea để nhắc nhở rằng, Moscow vẫn là quốc gia nắm thế chủ động trong khu vực, sẵn sàng bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga. Đặc biệt trong bối cảnh các nước thành viên NATO đã quyết định tăng cường binh sĩ đến biên giới với Nga, sau hội nghị gần đây ở Ba Lan.
Tại mặt trận Syria, Nga đã tăng cường không kích phiến quân, hỗ trợ mạnh mẽ quân đội Syria trong chiến dịch giải phóng Aleppo. Nếu thành công, thắng lợi quan trọng tại thành phố lớn thứ hai ở Syria không chỉ tác động đến quá trình chuyển giao quyền lực tại Damascus mà còn làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông trong tương lai.
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin hướng tới mục tiêu gây chia rẽ quan hệ Ankara - NATO, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7. Tổng thống Nga cũng muốn đưa Moscow trở thành đối tác kinh tế và chính trị lớn nhất của Ankara đối với toàn bộ khu vực Âu - Á dù Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO.
Theo bài báo, Nga tạo ra một hệ thống quan hệ đặc biệt với nhiều quốc gia có mô hình chính trị khác với nền dân chủ Phương Tây-từ Belarus đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Ai Cập đến Iran và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á.
Moscow đồng thời sử dụng nhiều công cụ khác nhau từ "quyền lực mềm" - từ việc kênh truyền hình "Russia Today" ngày càng phổ biến ở thế giới Ả Rập, cho đến chính sách đầu tư năng lượng và củng cố sự hiện diện quân sự ở Trung Đông.
Bảo Linh (tổng hợp)