Tin mới

Belarus thông qua hiến pháp mới, cho phép Nga đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ

Thứ hai, 28/02/2022, 14:53 (GMT+7)

Ngày 27/2, Belarus đã có cuộc trưng cầu dân ý để từ bỏ tình trạng phi hạt nhân sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Các nhà chức trách Belarus cho biết động thái này đã được thông qua sau một cuộc trưng cầu dân ý. Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Belarus, khoảng 78,63% dân số đủ điều kiện đã tham gia bỏ phiếu, 65,16% ủng hộ hiến pháp mới sẽ loại bỏ tình trạng phi hạt nhân hóa của đất nước, cho phép Tổng thống Alexander Lukhashenko tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa.

Cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp của Belarus diễn ra hôm 27/2. Ảnh: CNN
Cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp của Belarus diễn ra hôm 27/2. Ảnh: CNN

Nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ không công nhận tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua. Trong một tuyên bố từ hồi tháng 1, phái bộ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã mô tả cuộc trưng cầu dân ý là "không phải con đường khả thi, cũng không đáng tin cậy với Belarus". Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi chính quyền của ông Lukhashenko trải qua cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào năm 2020.

Quyết định của Belarus có ý nghĩa gì với Nga? Hiến pháp mới của Belarus về mặt lý thuyết có thể cho phép Moscow đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, khi Minsk từ bỏ kho dự trữ và trỏ thành một khu vực không hạt nhân.

Các sửa đổi và bổ sung hiến pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ có hiệu lực sau 10 ngày nữa, theo văn phòng Tổng thống Lukhashenko.

Tổng thống Belarus trả lời phỏng vấn báo chí tại cuộc bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp mới đây. Ảnh: Reuters
Tổng thống Belarus trả lời phỏng vấn báo chí tại cuộc bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp mới đây. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước các nhà báo tại một điểm bỏ phiếu ở Minsk hôm 27/2, Tổng thống Belarus cho biết ông có thể yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin "trả lại vũ khí hạt nhân" mà Belarus đã loại bỏ nếu phương Tây di chuyển bất cứ vũ khí hạt nhân nào tới Ba Lan hoặc Lithuania. "Nếu Mỹ hay Pháp, 2 cường quốc hạt nhân bắt đầu chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ba Lan hay Lithuania, ở khu vực biên giới của chúng tôi... Tôi sẽ đến gặp Putin để đòi ông ấy trả lại vũ khí mà không cần bất cứ điều kiện đặc biệt nào", ông Lukashenko nói.

Tổng thống Belarus cũng cáo buộc phương Tây "thúc đẩy Nga châm ngòi cho Thế chiến III" trước khi cảnh báo rằng "một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ kết đặt dấu chấm hết cho Trái đất".

(Theo CNN)

>> Xem thêm: Sau Anh, tới lượt Đan Mạch cho công dân tham chiến giúp Ukraine

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news