Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, hung thủ vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ tốt nghiệp trường trung cấp cảnh sát ở thành phố Izmir và từng phục vụ hơn 2 năm trong lực lượng cảnh sát chống bạo động.
Theo RT, Altintas sinh ngày 24/6/1994 tại Aydin, một tỉnh duyên hải phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Altintas tốt nghiệp trường trung cấp cảnh sát ở thành phố Izmir và được truyền thông địa phương mô tả là "người nhanh nhẹn".
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết, Altintas từng làm việc việc 2,5 năm trong lực lượng cảnh sát chống bạo động Ankara.
Tên này đã dùng thẻ cảnh sát để lọt vào hội trường triển lãm ảnh ngày 19/12, mặc dù hôm đó hắn không được giao nhiệm vụ. Khi đại sứ Nga đang phát biểu, hắn đứng sau lưng, rút súng nã nhiều phát đạn vào lưng ông.
Hung thủ ám sát đại sứ Nga là cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RT |
"Đừng quên Aleppo, đừng quên Syria!", tay súng hét lên bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Hắn còn hét lên bằng tiếng Arab rằng: "Chúng tôi đã thề với Nhà tiên tri Muhammad rằng sẽ tử vì đạo để trả thù cho Syria và Aleppo".
Hắn còn hô "Đấng Allah Toàn năng" và nhiều khẩu hiệu Hồi giáo khác.
Tờ Hurriyet Daily News cho biết, Đại sứ Nga không đem theo cận vệ trong những sự kiện như thế này. Buổi triển lãm được thông báo một tuần trước đó.
Altintas nói đã sẵn sàng chết và không muốn làm những người khác trong buổi triển lãm bị thương.
"Chỉ có cái chết mới giải thoát tôi khỏi nơi đây. Tất cả những người tham gia vào cuộc đàn áp này sẽ lần lượt phải trả giá".
Altintas bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt tại chỗ, 15 phút sau vụ ám sát. Bố mẹ và em gái của y ở quê nhà bị bắt khẩn cấp. Căn hộ của Altintas tại Ankara cũng bị khám xét. Bạn cùng nhà là một cảnh sát chống bạo động bị bắt giữ.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt Altintas 15 phút sau vụ ám sát. Ảnh: AP |
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng có "nhiều dấu hiệu mạnh mẽ" cho thấy Altintas có liên hệ với mạng lưới giáo sĩ Fethullah Gulen đang lưu vong ở Mỹ. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội giáo sĩ Gulen là người đứng sau vụ quân đội nước này đảo chính hồi tháng 7 nhưng ông này phủ nhận.
Các nhà sử học cho rằng, vụ ám sát này rất "bất thường" bởi đây có thể coi là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một đại sứ Nga kể từ sau vụ đại sứ Xô Viết tại Ba Lan Pyotr Voykov bị ám sát ở Warsaw năm 1927.
Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang vừa mới ấm lên sau việc Ankara bắn rơi chiến đấu cơ của Moscow gần biên giới Syria hồi tháng 11/2015.
Đại sứ Andrey Karlov (trái) được cho là có vai trò quan trọng trong việc hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến cuộc chiến Syria cũng như sau vụ Ankara bắn rơi chiến đấu cơ của Moscow. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ sát hại Đại sứ Karlov là một "hành động khiêu khích" nhằm phá hoại quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như những nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Syria. Tổng thống Putin khẳng định rằng "cách đáp trả duy nhất" là "tăng cường cuộc chiến chống khủng bố".
Cùng ngày, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, vụ tấn công nhằm vào chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
"Rõ ràng, đây là một hành động khiêu khích đối với quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Tôi đảm bảo với những người bạn Nga rằng họ sẽ tìm thấy sự thật. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công này".
Lê Huyền (tổng hợp)